Hình ảnh sán dây bò dài 6.2m phóng to từ chất thải của người đàn ông Trung Quốc - Ảnh: Internet
Một người đàn ông Trung Quốc (38 tuổi) gặp phải triệu chứng biếng ăn, sút cân và mất ngủ trong suốt 2 năm trời mà không tìm được nguyên nhân. Mới đây, ông phải nhập viên vì nôn mửa và đau bụng dữ dội. Nhân viên y tế bệnh viên Đại học dược Hồ Bắc tiến hành cấp cứu cho ông nhưng vẫn không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Tiếp đó, bác sỹ chỉ định ông đi xét nghiệm phân thì phát hiện một ổ trứng sán dây bò nằm trong đó. Bệnh viện cung cấp cho ông thuốc diệt giun sán và thuốc xổ. 2 tiếng đồng hồ sau, người đàn ông này thải ra một con sán dây bò dài 6,2m.
Ông cho biết có thể do ông có sở thích ăn thịt bò tái nên sán dây bò có cơ hội ký sinh và phát triển trong ruột của ông.
Các chuyên gia về ký sinh trùng cho biết sán dây bò có thể mang chiều dài lên tới 25m khi chúng ở trong ruột non của bò nhưng khi ký sinh ở cơ thể người thì thông thường, chúng chỉ mang chiều dài tối đa là 5m.
Nguyên nhân chính của bệnh sán dây bò chủ yếu liên quan đến thói quen ăn uống. Ở Việt Nam, sán dây bò phổ biến hơn sán dây lợn là bởi người Việt Nam thường ăn thịt bò, thịt trâu tái hoặc sống. Khi đi vào cơ thể, sán dây bò sống ký sinh trong ruột người bệnh và phát triển bằng chất dinh dưỡng hằng ngày bệnh nhân đưa vào cơ thể qua đường ăn uống.
Thói quen phở, bún cùng thịt bò tái của người Việt Nam là nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh sán dây bò - Ảnh: Internet
Khi bị sán dây bò ký sinh, bệnh nhân sẽ gặp chứng rối loạn tiêu hóa, đau bụng (dễ khiến chúng ta lầm tưởng là đau ruột thừa); suy nhược cơ thể; thiếu máu nhẹ và nặng hơn là tắt đường ruột.
Cách phòng bệnh sán dây bò là vệ sinh kỹ thực phẩm trước khi ăn uống; không ăn thịt bò, thịt trâu tái hoặc sống; tuyệt đối không chế biến, sử dụng thịt đã nhiễm bệnh. Ngoài ra, khi phát hiện người bệnh cần phải nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn cách điều trị chính xác, dứt điểm, tránh lây lan cho những người xung quanh.
KHÁNH HÒA (Tin8)