
Ngôi nhà nơi diễn ra vụ thảm sát 6 người đặc biệt nghiêm trọng ở Bình Phước - Ảnh: Internet
Tin thảm sát liên tiếp khiến độc giả cả nước phải “bội thực”
Sáng ngày 7-7-2015, một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước khiến 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ thiệt mạng. Thủ phạm sau đó nhanh chóng được cơ quan công an xác định là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, Bình Phước).
Thông tin này đã khiến cả nước rúng động nhiều ngày liền, cụm từ “thảm sát”, “Bình Phước”… được tra cứu liên tục. Nhiều độc giả chực chờ trên mạng để theo dõi thông tin điều tra vụ án. Nhiều người “yếu bóng vía” phải mất ngủ, hoang mang lo sợ vì thông tin chấn động này.

Hiện trường vụ án thảm sát 4 người ở Nghệ An - Ảnh: Internet
Cùng thời điểm này, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác đã xảy ra ở tỉnh Nghệ An khiến 4 người trong một gia đình tử vong. Vụ án xảy ra vào ngày 2-7-2015 nhưng do gia đình sống trong vùng sâu nên 1 tuần sau vụ án mới được phát hiện. Cụ thể về vụ án, trong lúc đi đánh cá ở khu vực khe Cạn Tả, thuộc địa bàn bản Phồng, xã Tam Hợp, người dân bất ngờ phát hiện nhiều thi thể người chết nằm rải rác khắp nơi. Danh tính các nạn nhân được xác định là anh Lô Văn Thọ (28 tuổi), bà Viêng Thị Chương (mẹ anh Thọ 60 tuổi), chị Lê Thị Yến (25 tuổi, vợ anh Thọ) và con trai anh Thọ (mới 8 tháng tuổi).
Khi dư luận chưa hết bàng hoàng thì khoảng 17 giờ ngày 12-8, một vụ thảm sát khác xảy ra tại tỉnh Yên Bái khiến 4 người trong một gia đình, gồm anh Trần Văn Long (sinh năm 1983), chị Phàn Thị Hoa (sinh năm 1995, vợ anh Long), cháu Trần Văn Tuyền (con anh Long, chị Hoa, sinh năm 2013) và em Phàn Thị Hà (sinh năm 2000, là em ruột nạn nhân Phàn Thị Hoa) thiệt mạng.

Hiện trường vụ thảm sát ở Yên Bái - Ảnh: Internet
Gần đây nhất là vụ một gia đình bị truy sát ở Gia Lai khiến 3 người thương vong. 9 giờ sáng ngày 25-8, tại sông Ba (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) người dân phát hiện 1 thi thể người đàn ông khoảng 50 tuổi nằm dưới nước. Nạn nhân tên Kpa Khu (42 tuổi, trú buôn Chư Hret, xã Chư Ngọc). Trước đó khoảng 1 giờ ngày 25-8, vợ Kpa Khu là chị Nay Hyir (SN 1973) và con trai là Nay Điên (SN 2006) cùng trú buôn Chư Hret, xã Chư Ngọc đang ngủ ở nhà thì 1 người lạ mặt dùng ngói đánh vào đầu 2 mẹ con gây thương tích.

Ngôi nhà của gia đình ở Gia Lai bị truy sát - Ảnh: Internet
Nguyên nhân vì sao ngày càng nhiều thảm sát?
Những thông tin này khiến nhiều bạn đọc cảm thấy choáng ngợp và ớn lạnh khi tin thảm sát xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Vậy, tại sao trong xã hội ngày càng xảy ra nhiều vụ “thảm sát”, vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng như vậy?
Trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, nhiều cạnh tranh, nhiều sức ép từ việc làm, những khó khăn về kinh tế, vướng mắc trong đời sống, những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày... đã làm cho một bộ phận dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi không thích nghi được. Họ bị chấn thương tinh thần, chạy theo giá trị ảo, thiếu kỹ năng sống, quan niệm lệch lạc về giá trị cuộc sống... nên khi không thỏa mãn được nhu cầu họ mất phương hướng, tiêu cực trong suy nghĩ và hành động, từ đó có những hành động cực đoan, gây tội ác.
Bên cạnh đó, sự phát triển như vũ bão của các game online, những hình ảnh bạo lực, lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, ăn chơi sa đọa, lười biếng, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi đó sự giáo dục nhân cách cho con trẻ từ gia đình, xã hội chưa tốt khiến một bộ phận giới trẻ lao vào những trò chơi bạo lực suốt ngày, đêm. Từ đó, trong đầu óc nhiều thanh thiếu niên này này bắt đầu hình thành lối sống bạo lực, vô cảm.

Hung thủ gây án trong vụ thảm sát ở Nghệ An (trái) và Yên Bái (phải) - Ảnh: Internet
Có thể nói, việc ngày càng xuất hiện các vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng phản ánh một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay. Nó cho thấy, sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của đối tượng.
Và phải chăng, việc báo chí khai thác các tin thảm sát ngày càng nhiều khiến bạn đọc từ ớn lạnh đến dần thích nghi với cảm giác đó, và trở nên vô cảm. Nhiều thanh thiếu niên không được giáo dục, quản lý đúng đắn, sẽ học theo lối giết người man rợ đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Liệu có nên hạn chế việc khai thác các tin thảm sát, bạo lực trên các phương tiện truyền thông để độc giả bớt “ngợp” và để môi trường sống trong lành hơn?
KHÁNH VÂN (Tin8)