Tiếng chuông ai oán và lời nguyền bí ẩn chia cắt tình duyên nơi cổ tự thiêng xứ Huế

Ngày đăng: 29/03/2016
8,090 Read
350 Share
Tin8 - Tự bao giờ chùa Thiên Mụ khoác lên mình những lời đồn thổi rằng lời nguyền “các cặp đôi yêu nhau cùng lên chùa Thiên Mụ, trở về thì sẽ chia tay”. Hơn nữa, tiếng chuông ai oán ngân xa nơi cổ tự này cũng khiến nhiều người cảm thấy một điều gì đó rất tâm linh, rất thiêng liêng. Chính vì những điều đó, những trai gái yêu nhau hầu như ít dám lên chùa viếng. Điều bí ẩn gì đằng sau câu chuyện này?

 Thiên Mụ

Bốn trụ biểu và các bậc thang dẫn lên chùa Thiên Mụ - Ảnh: Internet

Tiếng chuông vang đến thấu lòng người bởi 108 dùi

Chùa Thiên Mụ, hay còn gọi là chùa Linh Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê thuộc xã Hương Long, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm cạnh dòng sông Hương thơ mộng. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất cố đô được khởi lập năm Tân Sửu (1601) - đời chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở đất Đàng trong. Đến nay, ngôi chùa vẫn còn ẩn chứa nhiều điều huyền bí khiến mọi người tò mò. Một trong những bí ẩn chính là tiếng chuông đánh 108 dùi.

Tại chùa Thiên Mụ tới nay vẫn còn hai chiếc chuông. Một chiếc không bao giờ đánh được được đặt bên phải tháp Phước Duyên, được đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1710). Chiếc chuông này mang ý nghĩa tâm linh như một pháp khí của chùa, giúp mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Và chiếc còn lại đang được sử dụng đúc từ thời thời vua Gia Long (1815), đặt bên trái cổng chùa dẫn vào điện Đại Hùng phía trong. Tiếng chuông này có âm độ cao vút, âm sắc vang như thấu lòng người.

Sư thầy

Sư thầy trẻ đang giữ hạnh nguyện đánh chuông chùa Thiên Mụ - Ảnh: Internet

Trụ trì Thích Trí Tự đã từng lý giải trên báo giới rằng chùa vẫn giữ tục lệ của chùa từ xưa đến nay, chuông chùa sẽ được đánh 2 lần/ ngày, vào lúc 3g30 và 19g30, đánh đúng 108 dùi trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Do đó, để đánh được chuông chùa không phải ai cũng có thể đánh hoặc đủ sức đánh mà qua đó để thấy người đánh chuông phải thật sự kiên trì luyện tập trong thời gian dài. Đến nay, những người kế tục giữ hồn tiếng chuông chính là các nhà sư trẻ đang tu tại chùa.

Việc đánh 108 dùi chuông là theo giáo lý của nhà Phật, chúng sinh trong tam giới gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới, đều có chung bát khổ gồm sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán tằn hội, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc khổ. Từ 8 điều khổ căn bản sẽ dẩn đến 108 nỗi phiền não được chia nhỏ theo trạng thái tâm lý và tình cảm. Do đó, mỗi tiếng chuông ngân lên nhằm mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ.

Song hơn hết, nhiều người dân xứ Huế đều tin rằng tiếng chuông oán than ấy như hóa giải cho một câu chuyện tình bi thương, một câu chuyện buồn được đồn thổi rộng khắp. Khi mà ngày nay người biết đến chùa Thiên Mụ hầu như qua lời nguyền bí ẩn “các cặp đôi yêu nhau cùng lên chùa Thiên Mụ, trở về thì sẽ chia tay” và quả thật những đôi tình nhân thường ít khi cùng nhau tới đây để cầu khấn vì sợ ám lời nguyền.

“Ám” tình duyên khi đặt chân lên chùa

sông Hương

Chùa Thiên Mụ nhìn từ sông Hương - Ảnh: Internet

Chuyện kể rằng, khi chúa Nguyễn vẫn còn cai trị Đàng trong thì tư tưởng lễ giáo phong kiến vẫn còn theo lối áp đặt “cha mẹ đặt đâu còn ngồi đó”. Vì thế ngày ấy, có một cặp trai gái yêu nhau nồng thắm. Cô gái là con nhà danh giá giàu có, vô cùng xinh đẹp cộng đủ cả thục, hiền, lễ, nghĩa, đức, trinh. Còn chàng trai thì khác hẳn, chàng mồ côi cha mẹ, đói nghèo. Dĩ nhiên, cha mẹ cô gái kịch liệt phản đối cuộc tình này.

Song với tình yêu bền bĩ của họ, cả hai vẫn lén lút yêu nhau suốt 5 năm trời. Đồng thời cô gái ra sức thuyết phục cha mẹ chấp nhận mối lương duyên này nhưng lực bất tòng tâm. Từ đó, họ thường cùng nhau lên chùa Thiên Mụ cầu khấn trời phật phù hộ cho tình yêu của họ được bên nhau trọn đời. Tuy nhiên, gia đình cô gái vẫn không lung lay định kiến đó, không những ra sức ngăn cản mà còn ép gả cô gái cho một vị quan nhất phẩm trong triều. Khi không còn con đường nào thoát, cô gái và chàng trai hẹn nhau ra bờ sông Hương gieo mình tự vẫn để được chết bên nhau.

Đệ nhất cổ tự đất Cố đô

Khách thập phương đến tham quan ngày một đông tại "Đệ nhất cổ tự" đất Cố đô - Ảnh: Internet

Trớ trêu thay, khi chàng trai chính thức từ giã cõi đời dưới đáy sông Hương thì cô gái cao số lại trôi dạt vào bờ và được người dân địa phương cứu sống. Sau đó, gia đình cô lại tìm được và tiếp tục gả cho vị quan nhất phẩm đó. Thời gian rất lâu sau đó, cô dần quên đi chuyện tình buồn ngày xưa, sống yên phận bên chồng trong vinh hoa. Tuy nhiên, về chàng trai xấu số ấy ngày qua ngày chờ đợi người yêu trong mỏi mòn, oan hồn của chàng uất hận cho số phận hẩm hiu, bất trắc của mình. Oan hồn ấy đã “ám” vào chùa Thiên Mụ kế bên dòng sông Hương và trót lời thề nguyền rằng bất cứ đôi trai gái nào yêu nhau đến đây tình yêu sẽ đổ vỡ.

Lời nguyền đó được lưu truyền đến ngày nay, dù tin hay không thì quả thật, lời nguyền làm chùn chân nam thanh nữ tú yêu nhau ở xứ Huế khi muốn bước đến nơi đây. Tuy nhiên, hầu hết các cặp đôi không dám vào chùa nhưng không hẳn là không có, không ít cặp đôi thử đặt chân vào đây khám phá song nhiều cặp vẫn bền lâu.

Để lý giải rõ hơn về việc này, một vị sư thầy tu hành tại đây đã từng chia sẻ rằng: “Chuyện người đời nói ở chùa mang lời nguyền tình duyên là không có. Theo thầy được biết thời xưa trong khuôn viên chùa cây cối rất nhiều. Các đôi tình nhân thường rủ nhau đến chùa, lợi dụng cây cối trong chùa xanh tốt nên đã làm những chuyện trái với luân thường đạo lý. Không thể chấp nhận được điều đó, người dân đã dựng lên câu chuyện để giữ sự thanh tịnh cho ngôi chùa”.

Có thể thấy, có người tin và cũng không ít người không tin về lời nguyền. Thế nhưng, có một thực tế rõ ràng nhờ lời nguyền bí ẩn đó đã tạo cho ngôi chùa một có một vỏ bọc huyền bí khó lý giải và đông đảo khách thập phương tò mò muốn tìm hiểu về ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất xứ Huế này.

UYÊN VỸ (Tin8, Tổng hợp)

8,090 Read
350 Share
(361)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang