Tóm tắt toàn cảnh vụ án "con ruồi trong chai nước ngọt" - Ảnh: TTO
Tại phiên tòa xét xử vụ con ruồi trong chai nước Number One, bị cáo Vũ Văn Minh bị đề nghị mức án 12-13 năm tù vì tội cưỡng đoạt tài sản. Bên nguyên đơn là Công ty Tân Hiệp Phát đã lên tiếng xin tòa giảm án tối đa cho ông Minh nhưng dường như động thái này vẫn chưa thể xoa dịu sự khủng hoảng niềm tin của hàng triệu khách hàng trước đó đối với công ty này. Lúc này, câu hỏi mà dư luận đặt ra là, “Nếu THP không báo công an gài bẫy ông Minh thì làm sao công an biết đường mà ập đến đúng lúc ông Minh nhận tiền “hối lộ” của THP?”. Và đến nay phía dư luận vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục từ phía công ty THP.
Bản thân bị cáo Võ Văn Minh cũng không ngờ vụ việc bị đẩy đi quá xa và bản thân mình phải vướng vào vòng lao lý mặc dù trước đó ông từng là “khách hàng trung thành” của THP.
Trước đó, ông Minh là chủ một quán nước ở Tiền Giang. Khi ông mang chai nước Number One ra phục vụ khách thì phát hiện đáy chai nước có con ruồi chết. Ngay lập tức, ông Minh nảy sinh ý định tống tiền thương hiệu THP và đã liên lạc yêu cầu phía công ty phải đưa cho ông 1 tỷ đồng để đổi lấy sự “im lặng”. Còn không, ông sẽ mang chai nước đến trình diện cho cơ quan chức năng, báo đài và phát tờ rơi thông báo sự thật “chai nước ngọt của THP có ruồi”. Lúc đó, người đại diện cho doanh nghiệp THP đã nhanh chóng tiếp nhận yêu cầu của ông Minh và hứa sẽ phản hồi lại yêu cầu của ông trong thời gian sớm nhất.
Sau 3 lần thương lượng, ông Minh đã đồng ý nhận số tiền 500 triệu từ phía THP và “bỏ qua” mọi chuyện. Tuy nhiên, đến ngày 27-1-2015, trong khi nhân viên THP đang giao tiền và đồng thời ông Minh giao lại chai nước ngọt thì lực lượng công an bất ngờ ập vào bắt quả tang. Sau đó, ông Minh bị khởi tố tội Cưỡng đoạt tài sản.
Chai nước ngọt Number One có con ruồi bên trong là vật chứng tại tòa - Ảnh: Internet
Đương nhiên pháp luật và đạo lý không hề chấp nhận hành vi tống tiền doanh nghiệp của ông Minh. Tội của ông phải bị xử lý đúng luật định nhưng người tiêu dùng cũng ngán ngẩm với cách xử lý khủng hoảng của một thương hiệu lớn như THP. Dư luận cho rằng cách “đẩy người ta vào tù” rồi lại đi xin giảm án là việc làm giả nhân giả nghĩa và vô nhân đạo.
Ai cũng biết rằng doanh nghiệp có quyền lựa chọn phương thức xử lý khi có sự cố xảy ra nhưng dư luận phản đối mạnh mẽ cách “gài bẫy khách hàng” của THP. Mặc dù đại diện doanh nghiệp này vẫn một mực khẳng định trước tòa rằng mình không báo công an trong ngày hai bên tiến hành “giao - nhận” nhưng câu hỏi “Nếu THP không báo công an gài bẫy ông Minh thì làm sao công an biết đường mà ập đến đúng lúc ông Minh nhận tiền “hối lộ” của THP” vẫn được dư luận đặt ra chất vấn.
Được biết, trước khi xảy ra vụ án của ông Minh khoảng chừng 2 năm, THP đã từng dùng phương thức tương tự để đối phó với trường hợp khách hàng phát hiện con gián trong chai nước ngọt và đòi doanh nghiệp chi trả 50 triệu đồng cho “sự cố” này. Thế rồi kết quả là THP đã biến thế bị động thành chủ động và người khách hàng kia đã bị bỏ tù 3 năm.
Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát xin tòa giảm án cho ông Minh - Ảnh: Internet
Chúng ta hiểu rằng, bất kỳ một dây chuyển sản xuất nào cũng có thể cho ra một (hoặc nhiều) sản phẩm bị lỗi. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, bánh kẹo càng có nhiều nguy cơ đó. Vì thế, hầu hết chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh này luôn ý thức và đề cao trách nhiệm trong khâu giải quyết khâu khiếu nại từ khách hàng. Theo quy trình xử lý thông thường, doanh nghiệp sẽ xác minh, thương lượng và đền bù vì khách hàng đã mua sản phẩm bị lỗi của doanh nghiệp. Mọi động thái đều hướng đến mục đích “mọi việc êm đẹp cho đôi bên và bảo vệ hình ảnh, uy tín thương hiệu”. Thế nhưng điều đáng tiếc là trên thực tế, hiếm có trường hợp nào thẳng thừng từ chối yêu cầu của khách hàng và kiên nhẫn thương lượng để xoa dịu sự bức xúc của khách hàng. Không những thế phía doanh nghiệp như THP lại vô tình hay cố ý gây hại ngược lại cho họ thì điều đó quả thực thiếu nhân văn trong cách hành xử của doanh nghiệp.
Ở những nước tiên tiến, khi xảy ra mâu thuẫn giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, tòa án sẽ phán xét và nếu thật sự sản phẩm của nhà sản xuất bị mắc lỗi, doanh nghiệp phải bồi thường “nặng đô” cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp có thể nhờ đến cơ quan pháp luật “minh oan” cho mình khi bị thưa kiện nhưng chống lại khách hàng dù chỉ là một cá nhân riêng lẻ là điều tối kỵ với mọi thương hiệu.
Nhiều người cho rằng, cách ứng xử của thương hiệu này đã vô tình đã thể hiện của sự “phản bội" lại người tiêu dùng. Mặc dù cái sai rành rành của ông Minh là không thể chối cãi nhưng liệu có mấy ai tin lời khẳng định “THP không báo công an đến bắt ông Minh trong lúc nhận tiền” của đại diện doanh nghiệp? Như vậy, việc xin giảm án cho ông Minh trước tòa liệu có phải là cách xoa dịu dư luận, làm bình phong cho cách ứng xử thiếu đạo lý trước đó của THP?
KHÁNH HÒA (Tin8)