Cuộc đời hành tẩu giang hồ của ông trùm Năm Cam chỉ quỳ gối trước mặt một người đàn bà trọng tình nghĩa - Ảnh minh họa: Internet
Người phụ nữ này tên Mai Thị Nguyệt (SN 1947, trú ở quận 4, TP.HCM). Khi về sống chung nhà với Năm Cam, bà phải chấp nhận nhìn cảnh ông trùm trăng hoa với nhiều người phụ nữ khác nhưng lại đổ ngược nhiều cơn ghen tuông vào mình. Sau này, khi có nhiều biến cố trong cuộc sống, bà Nguyệt cùng con trai chuyển ra ở riêng, trốn chạy khỏi người đàn ông đầu tiên trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, nhờ uy danh trong giới giang hồ, ông Năm cũng đã tìm thấy chỗ ở của mẹ con bà Nguyệt.
Ông hẹn bà ra một quán cà phê, đề nghị bà quay lại những ngày trước kia. Năm Cam nói với bà Nguyệt rằng dù có nhiều phụ nữ bên cạnh nhưng ông vẫn dành cho bà một thứ tình cảm rất đặc biệt trong tim, "giờ tôi làm ăn khắm khá rồi, bà hãy quay về với tôi”. Thời điểm đó, ông bà đã sống xa nhau 4 năm. Nhớ lại những gì đã trải qua, bà Nguyệt dứt khoát từ chối cuộc sống vương giả với danh phận vợ của ông trùm và nói “Ông bỏ mẹ con tôi đi chung đụng với bao nhiêu đàn bà rồi, giờ lại muốn tôi quay về làm gì? Tôi có tự trọng của mình, không có ông mẹ con tôi vẫn ổn”. Nói rồi bà Nguyệt quay mặt đi, Năm Cam bỏ qua hết mọi sỹ diện của mình quỳ sụp xuống xin người đàn bà này tha thứ nhưng bất thành.
Bà Mai Thị Nguyệt thời còn son sắc - Ảnh tư liệu: Internet
Sau cuộc gặp gỡ với Năm Cam, bà Nguyệt quay về thành lập một băng cướp với khoảng 10 thanh niên dưới trướng. Bà xây dựng những luật lệ riêng cho băng nhóm của mình như không được đâm chém; không được cưỡng hiếp phụ nữ; không được giết người…Ai vi phạm sẽ giết không tha. Những ngày tháng vùng vẫy giang hồ, bà Nguyệt lưu lại trên người mình một vết sẹo ngay mũi do một tên giang hồ khác tranh giành địa bàn ra tay.
Sau này, trong một vụ cướp do đích thân bà Nguyệt thực hiện, bà đã xô một phụ nữ ngã đập mặt xuống đường để giật lấy cái túi xách. Hình ảnh của người phụ nữ ấy đã khiến bà Nguyệt giật mình tỉnh ngộ, không tham gia trộm cướp nữa.
Để thể hiện thái độ bực dọc trước sự đeo bám của Năm Cam, bà Nguyệt quyết định lấy một tên đệ tử của ông ấy làm chồng. Chính vì thế mà người chồng của bà Nguyệt bị đàn em Năm Cam bao vây, chém bể đầu. Ông ta tính trả thù nhưng nghe lời bà Nguyệt nên kìm nén cơn giận.
Bà Nguyệt tìm đến gặp ông Năm, nói: “Sống một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng, không có duyên phận sống hết đời cùng nhau, hãy coi nhau là bạn, là hàng xóm tốt của nhau, đừng bao giờ phiền nhiễu đến cuộc sống của nhau nữa. Không còn tình, vẫn còn thằng H. là con chung, tôi với ông có xích mích gì nó buồn”. Cũng từ sau lần gặp mặt này, Năm Cam chuyển đi khỏi quận 4, nhường lại người đàn bà này cho người chồng sau. Nhưng rồi hạnh phúc của bà Nguyệt cũng không trọn vẹn. Ít lâu sau đó, người chồng này phạm tội rồi bỏ bà Nguyệt chạy trốn.
Nói về người đàn ông này, bà Nguyệt từ tốn cho biết dù bà với ông ấy không có con với nhau nhưng ông là người gắn bó lâu dài với bà Nguyệt nhất. Bà có nhiều người đàn ông yêu chiều và muốn lấy làm vợ nhưng chỉ có ông này mới biết nhường nhịn bản tính ương bướng của bà.
Ngày Năm Cam thi hành án tử hình, chỉ có mỗi bà Nguyệt là bóng hồng duy nhất trong cuộc đời ông trùm đến đưa tiễn. Với bà, không còn là vợ chồng của nhau nhưng vẫn là tình nghĩa khi là cha mẹ của một đứa con. Phải chăng Năm Cam đã sớm nhìn thấy ở bà Nguyệt sự trọng tình nghĩa nên mới chấp nhận quỳ gối để van xin sự tha thứ?
KHÁNH HÒA (Tin8)