1. Trung thu ở Việt Nam
Vào ngày 15-8 âm lịch hằng năm, người dân Việt Nam thường mua tặng những món đồ chơi sặc sỡ cho thiếu nhi. Đó có thể là mặt nạ, đèn ông sao, đèn lồng, trống....Bên cạnh đó, những câu chuyện về chú Cuội - chị Hằng cũng thường được kể cho nhau nghe bên mâm cỗ.
Tết Trung thu ở Việt Nam không thể thiếu tiếng trống và những màn múa lân sôi nổi.
2. Trung thu ở Hàn Quốc
Món ăn không thể thiếu của người Hàn Quốc trong mỗi đêm trăng rằm là bánh Songpyeon. Loại bánh này có hình bán nguyệt hoặc hình trăng khuyết. Hình thù này ra đời từ quan niệm cho rằng cuộc đời con người luôn luôn biến đổi như vầng trăng, lúc tròn lúc khuyết để đạt đến sự hoàn mỹ. Bánh được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông với nhiều màu sắc như trắng, hồng, vàng, xanh đậm....
3. Trung Quốc
Người Trung Quốc xem Trung thu là tết đoàn viên vì họ ưu tiên cho sự sum họp gia đình trong dịp này. Trong mâm cỗ của mỗi gia đình Trung Quốc không thể thiếu bánh mooncake - loại bánh mang tình tròn gần giống với bánh trung thu ở Việt Nam.
4. Nhật Bản
Người Nhật không sử dụng lịch âm nhưng họ vẫn tổ chức tết Trung thu rầm rộ. Trong dịp này, người Nhật vừa ngắm trăng vừa thưởng thức những món ăn truyền thống, trong đó có bánh Tsukimi dango. Bánh này giống nhưng bánh trôi nước nhưng được nướng cho nóng giòn. Khi ăn, người ta quết thêm lớp mật đường lên trên. Bên cạnh món ăn chính là Tsukimi dango, lễ Trung Thu ở Nhật còn có sự góp mặt của khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen…
Trẻ em Nhật Bản rất thích rước đèn bằng đèn lồng cá chép. Chúng được người lớn dạy rằng cá chép tượng trưng cho lòng can đảm.
5. Tết Trung thu ở Singapore
Trung thu là thời điểm thích hợp để người dân trên quốc đảo sư tử gởi tặng nhau những lời chúc và món quà may mắn. Có nhiều người Hoa sinh sống ở đây nên trung thu ở đất nước này cũng mang nhiều màu sắc giống trung thu Trung Quốc. Khu phố người Hoa ở Singapore năm nào cũng là nơi tổ chức Tết Trung thu khá vui nhộn. Tại đây, người ta bán đèn lồng và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Thông thường, hoạt động này được tổ chức trước đó hàng tháng trời.
6. Campuchia
Không như những nước khác, người Campuchia thường tổ chức Trung thu vào ngày 15-10 âm lịch. Lễ hội này còn được gọi là Ok Om Pok, được tổ chức vào ban đêm với những lễ vật truyền thống như cốm dẹp, chuối, khoai, mía, súp sắn....
7. Philippines
Bánh trung thu ở Philippines thường được gọi là Hopia (bánh nướng ngon), gồm nhiều “phiên bản” như hopiang mungo (bán nướng đậu xanh), hopiang baboy (bánh nướng thịt heo), hopiang Hapon (bánh nướng Nhật Bản), hopiang ube (bánh nướng khoai lang tím)…
Ngoài ra, trong ngày tết ngắm trăng, người Philippines tham gia vào một trò chơi có tên là Xúc xắc trung thu.
8. Trung thu ở Lào
Trong dịp này, người dân Lào dừng hết mọi hoạt động để ngắm trăng, nhảy múa và ca hát. Tết trung thu ở Lào còn được gọi là nguyệt phúc tuyết (lễ hội phước lành).
9. Malaysia
Trong suốt mùa Trung thu ở Malaysia, các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra tưng bừng trên khắp các con phố. Người dân nước này cũng thắp lồng đèn để đón mừng Trung thu như những nước khác.
10. Myanmar
Tết Trung thu ở Myanmar còn gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Đêm rằm, nhà nhà đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. Mọi người cũng thường xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.
11. Thái Lan
Vào ngày này, người Thái Lan ngồi quây quần bên mâm cỗ gồm đào trường thọ, sầu riêng, bưởi, bánh Trung thu để kể chuyện truyền thuyết và chúc tụng nhau những điều tốt đẹp.
12. Tết Trung thu ở Triều Tiên
Tết Trung thu ở Triều Tiên còn gọi là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Món bánh truyền thống của người Triều Tiên trong dịp này là bánh nướng xốp (muffin). Mọi nhà đều hấp bánh này và biếu tặng cho nhau. Bánh muffin nướng xốp có hình bán nguyệt. Nguyên liệu làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo…Vì lúc hấp, đệm lót có sự giãn nở nên bánh có tên gọi như vậy.
KHAI TÂM (Tin8, ảnh: Internet)