Trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội cho biết mức độ ô nhiễm ở Thủ đô đã đạt mức đáng báo động. Chỉ số AQI - (số đại diện cho nồng độ của một nhóm các chất ô nhiễm gồm: CO, NO2, SO2, O3 và bụi, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí khu vực ven đường hoặc dân cư trong Thành phố, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân) lên tới 241. Một số điểm như tại chân cầu Nhật Tân, chỉ số không khí ô nhiễm đo được là 187 - thuộc nhóm không tốt cho sức khỏe.
Theo đó, trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất được đo sáng nay, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ đứng sau thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ (có chỉ số chất lượng không khí là 471) và đứng top đầu theo dữ liệu từ Airvisual.
Cách đây ít ngày, một số cảnh báo về hiện tượng mây quang hóa cực kỳ có hại cho sức khỏe của người dân. Theo công trình nghiên cứu "Gánh nặng của thế hệ trẻ” của chuyên gia nghiên cứu khí hậu danh tiếng James Hansen thuộc Đại học Colombia (Mỹ), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, giai đoạn 1880 - 1920.
Ông Hansen cho biết thêm: “Nếu không có các biện pháp cắt giảm khí thải độc hại, các thế hệ trẻ sẽ đối mặt với một tương lai mơ hồ khi phải tìm cách "giải quyết" lượng khí CO2 tồn đọng trong không khí trong thế kỷ tới. Ước tính việc loại bỏ khí CO2 để kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi chi phí ước tính lên tới khoảng 104 - 570 nghìn tỷ USD".
Trước mức độ ô nhiễm đáng báo động trên, người dân Hà Nội được khuyên hạn chế ra đường, thậm chí không nên ra ngoài đường để tránh gặp vấn đề về sức khỏe. Do đó, bạn phải bảo vệ sức khỏe tối đa khi đi đường như bịt khẩu trang hay đeo mặt nạ dưỡng khí.
HIỂU LINH (Tin8, Ảnh: Internet)