Những món chay mang hương vị và hình thức của món mặn như thế này đang trở thàn xu hướng ẩm thực chay của người dân Việt Nam - Ảnh: Internet
Mỗi ngày rằm, các hàng quán bán đồ ăn chay ở khắp nơi lại có đông khách đến ăn hơn hẳn. Điều đáng nói là tên món ăn trong thực đơn chay ở những quán ăn này đang dần bị “mặn hóa” để đáp ứng nhu cầu của thực khách. Dù những món giò, chả, thịt kho, bún bò…chỉ được chế biến từ nguồn nguyên liệu thực vật nhưng hương vị của nó không khác gì so với món ăn mặn.
Danh sách món chay còn có cả giả cầy chay, dồi chó chay. Đó là hai món ăn làm nên “thương hiệu” của nhà hàng Hương Tịnh (Q.Ba Đình, Hà Nội). Theo chị Nguyễn Thị Phương, quản lý nhà hàng thì giả cầy chay được làm từ đậu hũ, bánh mỳ, bột gạo, nước dừa…Thành phần nêm nếm là nước tương, mẻ và củ riềng nên hoàn toàn “thanh tịnh”.
Dù đã “cự tuyệt” mắm tôm trong quá trình chế biến món ăn được nhiều người ưa chuộng này nhưng giả cầy chay vẫn giữ được mùi vị gần như là giống nhau tuyệt đối với giả cầy mặn. Giải thích điều này, chị Phương cho biết hương vị đó là do mẻ, củ riềng và nước tương tạo ra.
Đối với món dồi chó chay, nhà hàng Hương Tịnh chế biến từ đậu, ván đậu, rau thơm cộng với hương liệu. Sau khi làm xong phần sơ chế, miếng “dồi” được chiên lên vàng ruộm, đánh lừa vị giác của thực khách và nếu không biết trước, thực khách sẽ nghĩ là mình đang thưởng thức dồi chó mặn.
Không chỉ có dồi chó, giả cầy, tiết canh chay cũng là món ăn khiến nhiều người thấy “lấn cấn” mỗi khi nhắc đến tên. Ở TP.HCM, nhiều nhà hàng còn giới thiệu tới thực khách những món ăn chay mang phong cách Tây như hamburger, mì Ý, lẩu Thái, xúc xích nướng, rong biển chiên…Nổi tiếng nhất có lẽ là “khu phố Tây” trên những cung đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (Q.1).
Việc món ăn chay “nhái” tên món mặn đã tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều giữa nhiều người. Một bên cho rằng nếu đã chọn cách ăn chay để “tu tâm” thì người ăn phải hoàn toàn lánh xa những “cám dỗ”, trong đó có đồ ăn mặn vì phật pháp không cho phép chúng sinh “sát sanh” để chế biến đồ ăn. Giả cầy, dồi chó, bún bò, tiết canh…là những cái tên tạo nên sự tạp nham trong thế giới tu hành dù rằng nó chỉ được chế biến từ thực vật.
Trong khi đó, luồng ý kiến khác lại cho rằng nhiều người tìm đến món chay không phải vì mục đích tìm sự thanh tịnh trong tâm hồn mà là do họ ăn kiêng, muốn thanh lọc cơ thể. Nhưng những món chay thương khó ăn, không ngon miệng nên việc biến tướng tên gọi của món ăn để đánh lừa vị giác là cách làm hiệu quả, chúng ta không nên có cái nhìn quá khắt khe về điều nay.
Nếu nhìn vào bàn tiệc này, không ai nghĩ đó toàn là món ăn chay - Ảnh: Internet
Dù luồng ý kiến thứ 2 có nhiều người ăn chay không phải vì chạy theo giáo lý đạo Phật nhưng có một thực thế là cứ đến ngày rằm hoặc các ngày tuần, tiết, các quán chay lại có đông khách “đột biến”.
Theo chị Phương, nhiều thực khách thưởng thức món giả cầy, dồi chó ở quán tỏ ra rất thích thú. Họ còn muốn lui tới quán thường xuyên và hứa sẽ tới quán đặt hàng số lượng khi nhà có dịp làm cỗ chay trong những ngày rằm, đầu tháng hoặc đầu năm.
Ở TP.HCM, nhiều hàng quán chay đã từng nhận hợp đồng làm hàng trăm mâm cỗ chay cho nhiều ngôi chùa lớn ở thành phố. Đặc biệt, một ngôi chùa ở Long An yêu cầu nhà hàng chay Hương Thiền (Q.Bình Thạnh) phải đưa món dồi chó chay vào thực đơn đãi phật tử. Lúc ăn xong ai cũng khen ngon mà không để ý đến chuyện món ăn có “thanh tịnh” hay không
Theo Đại đức Thích Nhật Từ (Phó Ban hoàng pháp Thành hội Phật giáo TP.HCM) thì “hiện nay, thực phẩm chay giả mặn không còn hương vị chay tinh nữa mà tanh hôi. Nếu người dùng không biết trước thì rất khó có thể phân biệt được đâu là đồ ăn chay thật, đâu là đồ ăn chay giả. Việc ăn chay giả mặn chỉ phù hợp và chỉ nên phục vụ cho những người ăn kiêng. Nếu ngươi tu hành mà ăn chay giả mặn thì bị coi là phạm giới, tội lỗi nhiều hơn người tu hành không ăn chay”.
KHÁNH HÒA (Tin8)