Lớp trưởng là chủ tịch hội đồng: Liệu có khiến học sinh ảo tưởng sức mạnh?

Ngày đăng: 18/07/2015
5,594 Read
287 Share
Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố dự thảo mô hình trường học mới. Trong đó, lớp trưởng tiểu học sẽ được gọi là chủ tịch hội đồng tự quản. Ngay lập tức, cộng đồng mạng đã dậy sóng với nhiều ý kiến trái chiều.

cải cách giáo dục

Bộ máy Hội đồng tự quản trong lớp học - Ảnh: tuoitre.vn

Lớp trưởng là chủ tịch

Theo dự thảo, mỗi lớp học sẽ có không quá 35 học sinh và sẽ có một Hội đồng tự quản để quản lý lớp học. Trong đó, lớp trưởng là chủ tịch, hai lớp phó là hai phó chủ tịch và có các ban tham gia Hội đồng như Ban sức khỏe, vệ sinh, Ban đối ngoại, Ban thư viện…

lớp trưởng tiểu học

Ban cán sự lớp sẽ có những cái tên hoàn toàn mới - Ảnh: tuoitre.vn

Mô hình này xuất hiện ở Việt Nam đã 5 năm và trong năm học tới, 3.700 trường trong số hơn 15.000 trường tiểu học trên cả nước sẽ đăng ký tham gia toàn diện mô hình trường học mới này.

Tên gọi quá nặng nề

Hầu hết mọi người đều cho rằng tên gọi mới này quá nặng nề và phức tạp, không phù hợp với các em học sinh tiểu học.

Bạn đọc Vu Manh Hung (báo Tuổi Trẻ) bình luận: “Tại sao chúng ta cứ phải dùng những từ ngữ đao to búa lớn như thế nhỉ? Chỉ cần lớp trưởng làm tốt nhiệm vụ cũng đã đủ rồi”.

Bạn đọc Nguyễn Trí Tuệ cho rằng: “Theo tôi, cái gì xem xét kỹ mà chưa hợp lý thì hãy đề xuất cải cách, đổi mới. Còn cái cách gọi lớp trưởng, lớp phó như cũ là được rồi. Việc này không cần phải cải cách, đổi mới gì cả. Học sinh lớp 5 mà gọi chủ tịch này chủ tịch nọ... khó nghe quá! Hãy để cho các em đầu óc trong sạch mà để tiếp thu bài cho tốt”.

mạng xã hội

Ảnh chế về việc gọi lớp trưởng là chủ tịch trên các trang mạng xã hội - Ảnh: thanhnien.com.vn

Nhiều người cho rằng tên gọi mới này không những không giúp nền giáo dục phát triển hơn mà còn khiến các em học sinh cảm thấy áp lực và ảo tưởng về cái chức vụ của mình. Những chức danh trong môi trường giáo dục nên đặt sao để trẻ có thể cảm nhận được sự thân thiện, nhẹ nhàng và gần gũi là được.

Đổi mới bao bì, còn chất lượng thì sao?

Dường như mọi người chỉ quan tâm đến tên gọi mà quên mất rằng chất lượng của mô hình trường học mới mới thực sự đáng để quan tâm.

Không ít những phụ huynh có con em theo học tại các trường đã áp dụng mô hình trường học mới này cho rằng mô hình này giúp học sinh chủ động hơn và có thể mạnh dạn phát huy năng lực của mình. Đây là cách mà chúng ta trao quyền dân chủ cho trẻ, giúp trẻ tự tin hơn trong việc học, việc quản lý lớp mà không cần thầy cô giáo lúc nào cũng phải kè kè bên cạnh.

học sinh tiểu học

Mọi người đều hy vọng học sinh sẽ được học trong môi trường giáo dục tiên bộ - Ảnh: tuoitre.vn

Theo như báo Thanh Niên đưa tin, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hợp (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Các lớp, học sinh được khuyến khích hoạt động theo tinh thần tự quản (ở mức độ và trình độ của các em). Đã tự quản thì phải có tổ chức, tổ chức đó có thể có tên gọi khác nhau như: ban cán sự lớp, đội ngũ tự quản, hội đồng tự quản... Đã có hội đồng thì phải có người đứng đầu và gán cho người đó một chức danh, nay người ta định gọi nó là "chủ tịch".

Xung quanh sự việc tên gọi cũng như mô hình trường học mới vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đến cuối cùng thì người dân cũng vẫn luôn mong mỏi giáo dục sẽ thay đổi theo hướng ngày càng tiến bộ hơn, cả về nội dung lẫn hình thức, cả về tên gọi lẫn chất lượng.

PHAN AN (Tin8)

 

5,594 Read
287 Share
(361)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang