Lược trích diễn biến chương trình "60 phút mở" với chủ đề "Người ta làm từ thiện vì ai" - Nguồn video: VTV/ You Tube
3.600 chiếc bánh chưng, 3.600 cây giò, 25 tấn hàng hóa, quần áo, bánh kẹo của nhóm từ thiện Xây trường vùng cao dành cho trẻ em vùng cao bị từ chối mặc dù trước đó, mọi công tác liên hệ, tiền trạm của nhóm để làm việc với chính quyền địa phương đã tiến hành thuận lợi và nhận được sự đồng ý phối hợp của người đại diện xã Mường Lạc, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Sau nhiều giờ đồng hồ làm việc căng thẳng giữa đại diện nhóm tình nguyện và đại diện chính quyền địa phương, hai bên thống nhất tổ chức chương trình từ thiện ở một địa phương khác trong tỉnh. Có thể nói, đây là cách duy nhất nhóm tình nguyện phải làm lúc bấy giờ nếu không muốn toàn bộ công sức của cả nhóm và quà tặng cho các em vùng cao bị đổ bỏ sau nhiều tháng chuẩn bị.

Những chiếc bánh chưng của nhóm tình nguyện Xây trường vùng cao chuẩn bị để gửi tặng trẻ em xã Mèo Vạc - Ảnh chụp từ clip.
Xuất hiện trong chương trình “60 phút mở” với chủ đề “Người ta làm từ thiện vì ai” với tư cách là khách mời, anh Đặng Như Quỳnh, Trưởng nhóm Tình nguyện Xây trường vùng cao và hai thành viên khác nhận được khá nhiều câu hỏi hóc búa từ phía ban tổ chức (MC Tạ Bích Loan). Nếu xem kỹ, nhiều người sẽ nhận ra rằng những câu hỏi của MC Tạ Bích Loan đã gợi mở nhiều hướng tranh luận sôi nổi giữa đại diện nhóm tình nguyện và Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES).
Xoay quanh những câu nói phản biện của hai bên, khán giả đặc biệt lưu ý đến quan điểm trẻ em vùng cao không nên thường xuyên mặc đồ của người miền xuôi gởi tặng nếu không muốn tương lai đánh mất đi bản sắc dân tộc của Tiến sỹ Giang. Nhiều người cho rằng đây là quan điểm thiếu tính nhân văn, thậm chí là tàn nhẫn nếu chỉ vì bản sắc dân tộc mà không cho các em mặc đồ của người miền xuôi trong khi các em đang phải chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt.

Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc CECODES (bìa phải) - Ảnh chụp từ màn hình
Khán giả cho rằng, việc giữ gìn bản sắc dân tộc là việc của các cấp lãnh đạo. Những đứa trẻ này đang sống trong cảnh “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc” thì làm sao nghĩ đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc? Và những người làm từ thiện, khi tận mắt nhìn thấy những đứa bé tím tái người vì lạnh, điều họ muốn làm ngay là sưởi ấm cho chúng bằng tất cả những gì họ có được như quần áo, đồ ăn, quà tặng từ vùng xuôi mang đến…"
Anh Đặng Như Quỳnh nêu ý kiến với Tiến sỹ rằng: “Có thể anh đang ngồi ở phòng điều hòa, anh đi xe ô tô nên anh nghĩ rằng những hoạt động quyên góp, từ thiện quần áo từ miền xuôi lên miền ngược không cần thiết; cần phải làm cách nào đấy để không mất đi bản sắc dân tộc nhưng có thể anh đã không chứng kiến được hình ảnh của những đứa bé không có quần áo để mặc, chúng chỉ cởi truồng dưới cái rét 0 độ. Chúng tôi làm chương trình đấy, chúng tôi không nghĩ được sâu hơn đến việc giữ gìn bản sắc. Chúng tôi chỉ biết các em cần được ấm no…”
KHÁNH HÒA (Tin8)