Quá tốn kém!
Đồng phục của một trường tiểu học ở quận 1 có giá 215.000 đồng/bộ - Ảnh: tuoitre.vn
Cứ gần đến ngày khai giảng là đông đảo phụ huynh lại lo lắng khoản đồng phục cho con. Hầu hết các trường ở thành phố đều có đồng phục riêng, không “đụng hàng” với nhau, phụ huynh phải đặt mua ở trường chứ không thể mua ở chợ hoặc các cửa hàng bên ngoài được.
Đồng phục học sinh thường bao gồm áo sơ mi, váy cho nữ (quần tây cho nam) và đồ thể dục. Tại trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp, TP.HCM), đồng phục nữ có giá 185.000 đồng/bộ. Đồng phục của trường tiểu học Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) có giá 180.000 đồng/bộ. Còn tại một trường tiểu học ở quận 1, TP.HCM, đồng phục thể dục có giá 190.000đồng/bộ.
Đồng phục học sinh cứ thay đổi liên miên khiến các em không thể sử dụng lại dù vẫn còn mặc vừa - Ảnh minh họa: Internet
Trong khi đó, hầu như năm học nào nhà trường cũng đổi mới đồng phục, thiết kế kiểu mới khiến học sinh không thể sử dụng lại đồng phục năm trước dù nó vẫn còn mới và học sinh vẫn mặc vừa.
Tổng cộng, mỗi năm học, phụ huynh phải chi hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng tiền đồng phục cho con.
Chất lượng đồng phục như thế nào?
Một chiếc áo sơ mi mua ở trường có giá 85.000 đồng thì khi mua ở chợ, giá chỉ 55.000 đồng. Tương tự, trong khi giá đồng phục nữ mua ở trường khoảng 180.000-200.000 đồng/bộ thì ở chợ, giá chỉ 110.000-120.000 đồng.
Mặc dù giá đồng phục ở trường đắt hơn ở chợ, song chất lượng thì ngược lại. Hầu hết phụ huynh đều than phiền chất lượng đồng phục đặt mua ở trường quá tệ.
Bảng so sánh giá của đồng phục học sinh l[ 1 tại TP.HCM - Ảnh: tuoitre.vn
Học sinh thường hiếu động, hay đùa giỡn nhiều nên chảy nhiều mồ hôi, nhưng vải quần đồng phục thì rất dày, mặt trong lại bằng ni lông nên rất bí, khiến mồ hôi không thoát ra được. Quần thể dục thì mỏng nhưng cứng, chất liệu vô cùng kém.
Bên cạnh đó, đường may thì xiêu vẹo, không thẳng hàng, mũi chỉ thưa, đường vắt sổ thì lỏng lẻo, nhiều sợi chỉ còn thừa, chỉ cần rút nhẹ là chỉ sẽ tuột hết.
Nhiều phụ huynh “có kinh nghiệm” sẽ đem đồng phục mua ở trường đến thợ may để họ may lại một lượt rồi mới cho con mặc. Song, dù đã cẩn thận như vậy, nhưng nhiều học sinh mới đi học vài ngày mà đồng phục đã bị rớt nút, bung nách, rách đáy quần…
Dường như, việc phụ huynh mua đồng phục ở trường cho con là một lựa chọn bất đắc dĩ, vì họ chẳng còn cách nào khác. Chẳng ai có thể hài lòng khi phải bỏ ra một số tiền đắt hơn bình thường để “rước” về những sản phẩm kém chất lượng cả.
Hãy để học sinh có quyền được lựa chọn!
Văn bản về việc thực hiện đồng phục học sinh trong các cơ sở trường học (do Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành ngày 3-10-2013) quy định:
“Việc sử dụng đồng phục là biện pháp nhằm giúp tạo sự đồng bộ trong học sinh, tránh cho các em sự phân biệt giàu - nghèo, tăng cường nền nếp, kỷ cương trong nhà trường; tuyệt đối nghiêm cấm việc lạm thu, bày vẽ, gây tốn kém và khó khăn cho phụ huynh học sinh về vấn đề đồng phục.
Đồng phục phải được thiết kế giản dị, phù hợp lứa tuổi học sinh và được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận, dễ tìm mua hoặc may, chất liệu bền và giá không cao hơn giá thị trường; nhà trường không tùy tiện thay đổi đồng phục hằng năm hoặc thêm bớt các chi tiết làm khó khăn cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Nếu cần có sự thay đổi thì phải báo trước và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Việc thay đổi đồng phục (nếu có) phải được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Khuyến khích các trường thống nhất về kiểu dáng, màu sắc để phụ huynh tự chủ động đi may cho thuận tiện...”.
Phụ huynh tìm mua đồng phục học sinh trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM vì đồng phục ở đây có giá rẻ hơn - Ảnh: tuoitre.vn
Song, dường như chẳng mấy trường thực hiện đúng quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường vẫn cứ thay đồng phục liên miên, đồng phục lại được thiết kế với nhiều chi tiết riêng, khó có thể mua được ở bên ngoài, chất liệu lại không bền và giá thì đắt.
Thiết nghĩ, nhà trường nên để việc lựa chọn đồng phục cho phụ huynh và học sinh quyết định để tránh xảy ra những vấn đề bất cập như đã nêu ở trên.
NGỌC TRẦN (Tin8)