Tín dụng đen với những lời mời gọi hấp dẫn dán đầy đường - Ảnh: Internet
Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng mạnh vào dịp cuối năm. Để có đủ tiền xoay sở, nhiều người tìm đến các tổ chức, cá nhân cho vay lấy lãi. Nếu có tài sản thế chấp, người vay sẽ “chơi” với ngân hàng. Nếu không, họ chấp nhận trả lãi cao để vay được tiền tại những nơi cho vay tự do. Tại TP.HCM, từ các con đường lớn đến những con hẻm nhỏ xuất hiện dày đặc các tờ rơi in thông tin quảng cáo cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản.
Cái bẫy “ngọt ngào”
Theo thông tin trên tờ quảng cáo dán ở cột điện ven đường, các phóng viên liên lạc tới số 0912 510 XXX để ngỏ ý vay tiền. Đầu dây bên kia hỏi sơ qua về nhu cầu của "khách hàng" và tự giới thiệu mình tên Dũng, đại diện của tổ chức cho vay có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Anh Dũng hẹn "khách hàng" đến một địa điểm gần cầu Gò Dưa, Thủ Đức để trao đổi cụ thể. Khi đến nơi, các phóng viên thấy tổ chức cho vay này thực chất chỉ là một cửa tiệm cầm đồ. Người đàn ông cao to mời họ vào trong rồi hướng dẫn thủ tục vay tiền.
Theo đó, người vay chỉ cần để lại CMND, cà vẹt xe hoặc GPLX rồi ký vào giấy vay là sẽ nhận được tiền ngay. Mức lãi suất tùy vào số tiền và thời gian vay nhưng chỉ chệnh lệch với lãi ngân hàng từ 4-7 nghìn đồng/ngày. Thoạt nghe có vẻ hấp dẫn nhưng khi nhẩm tính lại, các phóng viên đã ước lượng rằng nếu mức lãi từ 4-7 nghìn đồng/ 1 triệu/ ngày thì nhân theo năm sẽ lên đến 144 – 252%/1 triệu/năm.
Không chỉ chịu mức lãi suất nghẹt thở, khi ký vào giấy vay, người vay sẽ thấy “vã mồ hôi” với nhiều điều ràng buộc khác. Chị Mỹ Uyên (Bình Dương) kể, chị đứng ra vay 100 triệu đồng trong vòng 5 tháng. Lãi suất là 5 nghìn đồng/1 triệu/ ngày. Như vậy, mỗi ngày chị phải trả lãi 500 nghìn đồng. Tròn 1 tháng sau, chị mang đủ 15 triệu đồng đến trả lãi thì chủ nợ cho biết suốt 1 tháng qua chị không trả lãi theo ngày nên tiền lãi phát sinh thêm mức 500 nghìn đồng mỗi ngày (tức lãi mẹ đẻ ra lãi con). Vì vậy, chị Uyên phải trả hết số lãi 130 triệu đồng/100 triệu/ tháng. Nếu không, lãi sẽ tiếp tục sinh lãi. Giật mình với cách tính này và ân hận vì đã không tìm hiểu thấu đáo trước khi ký vào giấy vay, chị Uyên chỉ biết… rút kinh nghiệm và ngày nào cũng phải mang tiền lãi đến trả cho chủ nợ.
Lỡ vay tín dụng đen, làm cả đời cũng không biết được đồng lương
Xung quanh các khu công nghiệp, thông tin quảng cáo cho vay ngày nào cũng “bủa vây” công nhân mỗi khi tan ca. Với những lời mời gọi hấp dẫn như “Muốn bao nhiêu, có bấy nhiêu; lãi suất cực thấp; thủ tục đơn giản; không cần thế chấp…”, nhiều công nhân đã sập bẫy tín dụng đen.
Theo đó, công nhân vay tiền chỉ cần đáp ứng một yêu cầu duy nhất là đang làm việc tại nơi trả lương qua thẻ ATM. Khi ký vào giấy vay, người vay phải để lại thẻ ATM cùng mật khẩu rút tiền và CMND. Tiền lương mỗi tháng của công nhân sẽ được tổ chức tín dụng này bảo quản và theo dõi. Theo lời ngon ngọt của bà H, chủ nợ của nhiều công nhân trong khu công nghiệp Sóng Thần thì coi như đó là “tiền để dành của công nhân. Nếu người vay trả lãi đầy đủ thì sau khi hết nợ, chiếc thẻ sẽ được trả lại tận tay chủ nhân cùng với tất cả số tiền lương tích góp được từ trước đó”.
Công nhân là đối tượng dễ sập bẫy của tín dụng đen vì nhu cầu vay nóng, không thấu hiểu những điều khoản ràng buộc - Ảnh minh họa: Internet
Anh Thông, công nhân tại một doanh nghiệp điện tử ở Sóng Thần bức xúc chia sẻ: "Tôi chỉ vay 20 triệu đồng để giải quyết việc cá nhân. Lãi suất là 6 ngàn/1 triệu/ngày. Lúc đầu tôi cũng nghĩ mình sẽ trả đủ cả gốc lẫn lãi trong vòng 1 tháng nên yên tâm giao thẻ lương (thẻ ATM - PV) và mật khẩu rồi ký vào giấy vay. Nhưng sau đó, mỗi ngày tôi trả 120 nghìn đồng tiền lãi. Lúc đầu còn cầm cự được, sau dần thấy “đuối”. Cộng với việc thẻ lương đã bị chủ nợ giữ nên tôi không thể rút được tiền để trang trải cuộc sống. Mượn đầu này, đắp đầu kia riết rồi tôi bị mất kiểm soát. Không biết làm sao để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn vay tiền - trả lãi rồi lại vay tiền - trả lãi".
Cũng theo anh Thông, anh biết có nhiều công nhân lâm vào hoàn cảnh như anh. Khi họ làm thẻ ngân hàng mới để chuyển nơi nhận lương (lương không được chuyển vảo tài khoản thẻ đã giao cho chủ nợ và chuyển vào tài khoản thẻ mới) thì bị giang hồ chặn đánh và hăm dọa. Thậm chí, người thân của họ cũng bị đánh “dằn mặt”.
Để tránh sập bẫy tín dụng đen gây hậu quả nặng nề, người đi vay cần tỉnh táo phân tích để thông hiểu tất cả các điều khoản ràng buộc. Quan trọng hơn, người vay phải tính hết các mức lãi suất theo tỷ lệ phần trăm và nhân lên theo năm. Hiện nay, các ngân hàng chính thống cũng đã thiết kế nhiều gói cho vay tiêu dùng. Tuy lãi suất cao hơn bình thường nhưng cũng còn thấp hơn nhiều so với những cá nhân, tổ chức cho vay bên ngoài. Hơn nữa, các điều khoản trong ngân hàng được quy định rõ ràng, không mập mờ, không bắt bí và chịu sự kiểm soát của pháp luật nên người vay hoàn toàn yên tâm.
KHÁNH HÒA (Tin8)