“Độc chiêu” đối phó với việc bắt khách nhận kẹo thay tiền thừa
Lâu nay, khi đi mua sắm ở siêu thị, với số tiền thừa từ 500 - 1.000 đồng nhân viên thường thối lại cho khách bằng một viên kẹo, còn nếu thừa dưới 500 đồng thì khách hàng sẽ không được nhận lại và coi đó như là tiền “bo” cho nhân viên.
Bắt khách nhận kẹo thay bằng tiền thừa diễn ra khá phổ biến trên các hệ thống siêu thị ở Việt Nam
Đối với một số người vẫn coi chuyện này là bình thường và không có vấn đề gì khi nhận kẹo thay cho tiền thừa. Nhưng cũng có rất nhiều người cảm thấy “ấm ức” và khó chịu vì phải nhận thứ mà mình không bao giờ dùng đến.
Trên Facebook của mình, Phuong Le đã chia sẻ “độc chiêu” để đối phó với kiểu “thối tiền lẻ” khiến nhiều người “nể phục”.
Phuong Le kể rằng anh đã phải nhận kẹo thay vì tiền thừa tại một siêu thị. Ngày hôm sau, anh này quay lại chính siêu thị đó mua đồ và khi thiếu số tiền lẻ để thanh toán thì Phuong Le đã đem kẹo ra trả cho siêu thị.
Ban đầu, Phuong Le bị siêu thị từ chối với lý do “đây đâu phải là tiền”. Thế nhưng sau đó người quản lý gần đó đã chứng kiến hết và đành phải nhận lại cục kẹo khi vị khách này thản nhiên nói: "Cục kẹo này là cái em trả anh hôm qua, y chang cái cục kẹo em đưa anh hồi nãy! Sao em bảo không phải là tiền? Em được, anh lại không được? Tại sao vậy".
"Độc chiêu" mà facebook Phuong Le chia sẻ trên mạng xã hội để đối phó với hình thức thối tiền thừa của nhân viên siêu thị được rất nhiều người hưởng ứng
Điều đáng nói ở đây không phải là việc số tiền thừa đó bao nhiêu mà là thái độ tôn trọng khách hàng của nhân viên. Nên chăng nhân viên siêu thị cần phải hỏi ý kiến của khách hàng trước khi đưa kẹo cho họ, nếu họ đồng ý thì mới làm, còn không thì vẫn phải chiều theo khách bởi “khách hàng là thượng đế” mà.
Khách hàng phản ứng như thế nào về vấn đề này?
Sau khi câu chuyện được đăng đàn chia sẻ trên mạng xã hội, rất nhiều người vào bình luận, ủng hộ có và phản đối cũng không phải ít.
Nguyễn Thị Giang, sinh viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội chia sẻ: “Tôi cảm thấy không thoải mái khi nhận lại kẹo vì nhiều khi mình chẳng dùng đến nó. Nếu siêu thị cứ tích từng 1.000 đồng lại, một cửa hàng mỗi ngày có 100 lượt khách thì số tiền thu về là không hề nhỏ. Cứ cho họ thối bằng kẹo thì vì sao 100 vị khách kia tự nhiên bị bắt buộc phải mua giúp họ số kẹo đó. Thậm chí mình biết có rất nhiều người không thích kẹo và bỏ qua số tiền lẻ thừa, vậy thì lợi ích ở đây, ai được hưởng?"
Các luồng ý kiến trái chiều xung quanh vụ thối tiền thừa cho khách bằng cục kẹo
Facebok-er Đỗ Trương nói: “Vẫn biết rằng số tiền lẻ có mệnh giá nhỏ như vậy hiện nay rất hiếm, nhưng việc trả lại bằng kẹo cũng đừng lạm dụng quá rồi coi đó như là một điều hiển nhiên như thế là không chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, cũng có không ít khách hàng tỏ ra thông cảm với cách xử lý kiểu này của nhân viên siêu thị. Bạn Nguyễn Duy Anh cho hay: “Mình chả quan tâm lắm mấy trăm bạc, chấp nhất mấy chuyện đó làm gì”.
Một chị đã từng là nhân viên siêu thị cũng giãi bày tâm sự: “Mình từng làm thêm ở một siêu thị nhỏ. Hồi trước khi đi siêu thị người ta trả kẹo cho mình thì cũng khó chịu lắm. Nhưng có làm rồi mới biết, tiền lẻ có mệnh giá nhỏ như vậy rất hiếm, nên nhiều lúc mình phải bỏ tiền túi ra bù đấy các bạn ạ”.
Số tiền lẻ được thối, khách hàng bỏ vào thùng từ thiện đặt ở siêu thị sẽ "vẹn cả đôi đường"
“Nhân viên siêu thị nên hỏi ý kiến của khách hàng, nếu họ đồng ý thì mới đưa kẹo thay vì đưa tiền lẻ. Còn đối với những người tỏ thái độ “khó chịu” thì nhân viên đừng dại gì mà áp dụng cách thối tiền thừa kiểu này để rồi nhận được cái kết như “độc chiêu” đối phó mà bạn Facebook Phương Le đã đăng đàn chia sẻ”- một nam khách hàng vui tính cho biết.
Khách hàng bị ép nhận cục kẹo mà trước đó nhân viên không hề hỏi ý kiến của họ
Anh Trần Văn Tuấn cho biết: “Theo mình thấy, hầu hết các siêu thị đều đặt thùng từ thiện gần khu vực thanh toán hóa đơn. Khi nhận “tiền thối lẻ đó” từ nhân viên siêu thị, khách hàng có thể bỏ nó vào thùng từ thiện. Tuy số tiền này chẳng bõ bèn gì nhưng mà tích tiểu thành đại. Tôi thấy, phương án này vẹn cả đôi đường, khách hàng vừa thoải mái lại vừa có ích cho xã hôi nữa”.
Được biết, trước đây cộng đồng cũng từng xôn xao về vụ một Việt kiều Mỹ bức xúc khi các siêu thị Việt Nam tính tiền khách từng đồng, nhưng lại thối tiền thừa cho khách bằng kẹo. Vị Việt kiều Mỹ này đã chia sẻ: “Tôi có thể biếu một cụ già ăn xin 100.000, hay tặng 10.000 đồng cho một em bé bán vé số. Đối với tôi số tiền đó rất nhỏ và tôi vẫn thường xuyên làm vậy, nhưng tình huống đó hoàn toàn khác với chuyện mua bán ở đây. Tiền thối lại là tiền của tôi, nếu tôi không cho, thì tôi phải nhận lại đủ, cho dù chỉ có 200 đồng. Tuy không mua được gì với 200 đồng đó, nhưng nếu tôi cất lại thay vì vứt bừa bãi, thì khi có đủ 5 tờ, tôi cũng mua được một thứ gì đó vậy”.
Thay vì trả cục kẹo, nhân viên nên thối tiền lẻ để người tiêu dùng có thể dùng số tiền lẻ đó để bỏ vào thùng từ thiện được đặt trong siêu thị cũng giúp ích rất nhiều cho các trường hợp gặp khó khăn
Có lẽ sau lần này, ban quản lý các hệ thống siêu thị cũng như cửa hàng tạp hóa nhỏ cần xem lại hình thức “thối tiền thừa” này để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
DZUNG LÊ (Tin8, ảnh: Internet)