Xóm Việt Kiều sống trong những túp lều tranh
Nhắc đến Việt kiều, người ta thường gắn với quan niệm về sự giàu có. Những con người xa quê hương, làm ăn nơi xứ người để mang những đồng ngoại tệ về đổi thay cuộc sống cho gia đình. Thế nhưng ở Tây Ninh lại có một xóm Việt kiều nghèo đến khó tin, sống tạm bợ, bấp bênh và lay lắt.
Cái xóm nghèo ấy nằm chênh vênh nơi đầu nguồn sông Sài Gòn, đoạn nằm giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh. Ở đây đa số là những Việt kiều từ Biển Hồ Campuchia vì cuộc sống quá khó khăn mà phải lần hồi về quê nhà, tụ lại bên bờ sông tạo thành xóm nhỏ, tá túc trong những túp lều rách nát. Hàng ngày, phơi mặt trước nắng, gió và cái nghèo.
Xóm được thành lập khoảng năm 2012, lúc đầu có 4 - 5 hộ. Đến nay đã có trên 200 hộ với 1.000 nhân khẩu, tất cả đều từ Campuchia (Biển Hồ) về sinh sống. Ở xóm này, chủ yếu chỉ toàn trẻ con và phụ nữ, còn thanh niên trai tráng hay những người làm nghề chài lưới trên sông họ bỏ lên bờ đi làm thuê, làm nghề chài lưới, nhiều người đi cả tháng mới về. Phụ nữ hàng ngày bươn chải nuôi con, trẻ con thất học, những ánh mắt ngơ ngác vêu vao trước tương lai vô định.
Mấy trăm hộ gia đình tụ họp thành một xóm ngụ cư nghèo sống lay lắt bên sông Sài Gòn. Điều lo ngại nhất với họ là vào mùa mưa, những túp lều tạm bợ lay lắt trở nên nhỏ bé trước gió bão. Nhiều năm nay, cứ mỗi lần mưa bão là chính quyền địa phương phải chuyển người dân lên đường rồi dựng chòi để ở
Không quê hương, không giấy tờ, không tài sản, họ chủ yếu sống dựa vào những con cá, mớ rau kiếm được từ sông Sài Gòn
Những đứa trẻ được sinh ra, đen đúa bởi nắng gió, hoàn toàn xa lạ trước những đứa trẻ thành thị
Người già ở đây hàng ngày chỉ biết ở nhà, chờ đợi những người đàn ông trong gia đình đánh lưới trở về. Thế nhưng mấy năm nay, sông Sài Gòn ô nhiễm nặng, lại can queo, cá chết sạch, chẳng còn gì để bắt
Mọi người lên bờ đi kiếm việc làm thuê ở nơi xa, nhưng công việc cũng bấp bênh, lúc có lúc không, để lại những đứa con thơ không được chăm sóc cẩn thận
Nghèo là vậy, nhưng gia đình nào cũng đông miệng ăn, có từ 2-5 đứa con. Những đứa trẻ này phần lớn sinh ra ở Campuchia, theo ba mẹ về Việt Nam nên không có giấy khai sinh, không được đến trường đi học
Đứa lớn đi bán vé số, chài lưới, quét lá cao su, kiếm từ 10.000 đến 50.000 đồng/ngày. Đứa nhỏ không được đi học mẫu giáo mà ở nhà quẩn quanh chơi với những vật dụng trong nhà như cái chậu, cái thau nhựa
Bữa cơm đạm bạc của một gia đình 2 thế hệ đến 8 miệng ăn, thức ăn chỉ có chút cá kho ăn kèm cơm trắng, chia ra cho đủ 8 phần
Giấc mơ "bữa cơm có miếng thịt" và "được đi học cái chữ"
Ông Đỗ Đình Khanh, trưởng ấp 4, xã Minh Tâm tâm sự: “Thấy cuộc sống khó khăn đủ bề của bà con, xót xa lắm mà sức mình có hạn, chẳng giúp được bà con bao nhiêu. Cha mẹ tụi nhỏ trong xóm cũng toàn dân mù chữ, nên đâu có dạy chữ cho con được đâu.
Còn việc đi học, nếu không có hộ khẩu vẫn được đi học hết tiểu học, nhưng điều quan trọng nhất là cha mẹ chúng lo ăn còn chưa xong, thời gian đâu mà tính chuyện đưa con đi học? Mấy đứa lớn lớn chút là theo cha mẹ đi làm thuê. Chẳng có hứng thú học. Xã cũng mấy lần họp bàn tìm cách giải quyết khó khăn cho người lao động trong xóm, nhưng đến giờ tình hình cũng chưa cải thiện được bao nhiêu".
Cuộc sống nghèo khổ, quanh năm đầu tắt mặt tối với miếng cơm manh áo nên chuyện học hành của con cái là điều xa xỉ
Tuổi thơ không có máy tính, iPad hay đồ chơi đắt tiền, tuổi thơ của bé chỉ gắn liền với dòng sông, túp lều và bãi cỏ
Đôi khi ước mơ của những đứa trẻ này chỉ là bữa ăn có miếng thịt, thay vì chỉ toàn ăn cá do ba hàng ngày chài lưới trở về
Một số em hiện nay được học chữ tại lớp của cô giáo ở cách xóm 2km, giá mỗi buổi học 3.000 đồng
Trời mưa, thú vui của em chỉ là nghe tiếng mưa dột rơi từng giọt vào thau nhôm
Anh trai chở em đi nhặt củi về
Chiều chiều, trẻ con kéo nhau ra hồ Dầu Tiếng tắm rửa
Niềm vui trong ngày là những giờ phút đùa nghich vô tư bên sông nước
Những người phụ nữ phân chia mớ cá chồng mình đi lưới trở về
Mang ra chợ bán để đổi lon gạo, kí thịt mang về
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch HĐND xã Minh Tâm cho biết “Xóm Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về tụ thành xóm nhỏ dưới chân cầu Sài Gòn. Cuộc sống của họ khó khăn thế nào xã biết rất rõ và vẫn đang từng bước hỗ trợ họ hết mức có thể; cấp sổ hộ nghèo để họ được hưởng tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ mỗi hộ 30 ngàn đồng tiền điện/tháng. Hàng tháng xã vẫn hỗ trợ gạo, lương thực, chăn màn, quần áo cho họ. Vận động trẻ em đến trường dù không có hộ khẩu. Mở lớp xóa mù chữ ngay trong xóm cho trẻ em…”
Xe rau di động
Vài "cánh én nhỏ" mang đến tin vui
Những căn nhà nhỏ mang đến tin vui và niềm hi vọng, trong tương lai, cả mấy trăm hộ đang sống lay lắt sẽ được cấp nhà để ở
Hiện nay, ở xóm Phước Ninh, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy những dãy nhà cấp 4 thẳng tắp. Đây chính là khu tái định cư mới mà chính quyền địa phương cùng nhân dân đã xây cho bà con Việt kiều từ Campuchia trở về.
Giấc mơ của người cha, người mẹ bên sông Sài Gòn hàng ngày mơ mình được an cư, cái lưng được chạm đất, không phải sống trong túp lều tạm bợ lay lắt trước gió mưa đã trở thành hiện thực. Từ năm 2014, chính quyền địa phương đã thực hiện chương trình xây tặng nhà "Mái ấm nông dân" trợ giúp cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn đang cư cư ngụ. Trong năm 2014, đã có 15 căn nhà "Mái ấm nông dân" được xây dựng và trao tặng. Ngoài ra, Hội nông dân xã còn đề xuất với ngân hàng Chính sách xã hội cho mỗi hộ được vay 30 triệu đồng để xây dựng các công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh.
Thế nhưng trên thực tế, chỉ mới có duy nhất huyện Phước Ninh tiến hành cấp đất, tặng nhà cho bà con Việt Kiều. Con số 15 căn nhà vẫn còn là quá ít với thực tế có đến mấy trăm hộ dân, hàng ngàn nhân khẩu vẫn đang phải đối mặt với cuộc sống khốn khó, bấp bênh ở nhiều huyện. Hi vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tin vui đến với những xóm Việt kiều ở Tây Ninh, để người già không còn phải đi nhặt từng miếng tôn, cành củi về chèn túp lều mùa dông bão, để trẻ thơ được cắp sách đến trường.
DZUNG LÊ (Tin8, ảnh: internet, Video: Youtube)