Chợ "tử thần" hóa chất Kim Biên vẫn ngày ngày phát triển dù ai cũng lên tiếng dẹp bỏ

Ngày đăng: 25/03/2016
6,364 Read
285 Share
Tin8 - Nhắc đến điểm bán hóa chất lớn nhất Sài Gòn, người ta nghĩ ngay đến chợ Kim Biên (Q.5). Nơi đây bày bán tất cả những loại hóa chất dùng trong công nghiệp, phụ gia thực phẩm…kể cả những mặt hàng cực độc, gây nguy hiểm đến nhân mạng. Cũng chính vì thế mà Kim Biên được mệnh danh là “chợ tử thần”. Vậy thì tại sao khu chợ này không những không bị dẹp bỏ mà còn ngày càng phát triển mạnh mẽ?

chợ tử thần

Hóa chất độc hại được bày bán tràn lan ở chợ Kim Biên - Ảnh: Internet

Đã không ít lần cơ quan chức năng tổ chức những cuộc ra soát, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của các tiểu thương kinh doanh hóa chất ở chợ Kim Biên nhưng sau mỗi đợt “ra quân” thì mọi thứ lại “đâu vào đấy”. Thực trạng này là hậu quả của việc cấp giấy phép tràn lan, không có quy định cụ thể về mặt hàng hóa chất và chế tài hành chính vẫn còn quá nhẹ với những cơ sở kinh doanh vi phạm.

Với nỗ lực của những đơn vị quản lý, những hộ kinh doanh hóa chất ở Kim Biên chỉ được phép phân phối sản phẩm theo đúng quy định.; hàng hóa bày bán phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, dán nhãn ghi rõ công dụng, nguồn gốc, hạn sử dụng và những thông tin liên quan khác. Mặc dù vậy, thành phần buôn bán hóa chất “chui” thì không ai nắm được số lượng bao nhiêu, hoạt động thế nào… Đây cũng là lý do vì sao khu chợ “tử thần” này luôn nhộn nhịp người mua kẻ bán nhưng cơ quan chức năng cũng đành “bó tay”.

Theo một tiểu thương kinh doanh lâu năm ở chợ Kim Biên thì trung bình mỗi ngày, sạp của anh ta bán ra khoảng 50 lít hóa chất và khoảng 30 kg bột phẩm màu. Ngày cuối tuần thì số lượng bán ra tăng vọt. Anh này cũng cho biết chỉ khi bán với số lượng nhiều thì mới có lời bởi giá của những sản phẩm này rất rẻ, bán ít không đủ tiền đóng thuế và tiền kho bãi ở chợ. Điều đáng nói, khách hàng mua những loại hóa chất độc hại này chủ yếu là người kinh doanh quán ăn nhỏ, lẻ hoặc người buôn bán thực phẩm. Vì lợi nhuận, họ mua về để bảo quản hàng hóa hoặc để tiết giảm chi phí mua nguyên vật liệu nấu nướng.

chợ Kim Biên

Không ai kiểm soát đầu ra của những sản phẩm này - Ảnh: Internet

Ở các nước phát triển, khi người dân muốn mua một món hóa chất độc hại thì cũng phải tìm “đỏ con mắt”. Chưa kể khi sắp mua được rồi, họ còn phải đối mặt với những câu hỏi văn vẹo của người bán để chắc chắn rằng mình sẽ không phải chịu trách nhiệm gì khi bán ra sản phẩm có khả năng gây độc hại cho người tiêu dùng. Ở Việt Nam, cụ thể là ở chợ Kim Biên thì hoàn toàn ngược lại. Đến đây, người ta dễ dàng mua một lúc nhiều loại hóa chất cấm tiêu thụ với giá rẻ, số lượng tùy thích. Chỉ cần người mua có nhu cầu thì người bán sẽ đáp ứng ngay không một chút chần chừ.

Cơ quan quản lý chưa thực sự quyết tâm dẹp bỏ “chợ tử thần”

Bằng chứng là việc phân công người quản lý ngành hàng trong khu chợ này không nhận được sự quan tâm đúng mức của người có trách nhiệm.

Cách đây không lâu, bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng Ban Quản lý chợ Kim Biên chia sẻ với báo chí rằng cả khu vực chợ này chỉ có một cán bộ chuyên trách quản lý tới 18 ngành hàng đăng ký kinh doanh. Bất cứ người dân bình thường nào mới nghe qua cũng thấy đây là chuyện phi lý, vượt quá khả năng của người được giao nhiệm vụ nhưng không hiểu sao thực trạng này vẫn không được sửa đổi.

hóa chất

Có thể nói sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng là yếu tố gián tiếp giúp cho hoạt động của chợ "tử thần" ngày càng nhộn nhịp - Ảnh minh họa: Internet

Đối với một cán bộ quản lý ngành hàng, chỉ riêng việc đọc và hiểu đó là chất gì đã khó nói gì đến việc ghi nhớ. Hơn nữa, người ta chỉ gọi hàng hóa bằng tên viết tắt; thủ thuật bán hàng “chui” của tiểu thương ngày càng tinh vi mà nhân lực quản lý thì lại quá mỏng.

Một nguyên nhân nữa khiến chợ Kim Biên chưa thể bị dẹp bỏ là sự đùn đẩy trách nhiệm của những cơ quan quản lý. Khi xảy ra sự việc tiêu cực liên quan đến khu chợ này, báo chí tìm đến cơ quan chức năng để phỏng vấn thì nơi này chỉ sang nơi kia. Cuối cùng, truyền thông nhận được một câu trả lời chung là “rất khó giải quyết”.

Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng thái độ “dở dở ương ương”, thiếu sự quyết liệt của các đơn vị quản lý là điều kiện gián tiếp giúp hoạt động của chợ “tử thần” ngày càng nhộn nhịp và số bệnh nhân mắc mới hoặc chết vì ung thư mỗi ngày một tăng!

KHÁNH HÒA (Tin8)

6,364 Read
285 Share
(329)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang