Đa số người tiêu dùng Việt Nam yêu thích hàng ngoại, dù đó là hàng xách tay - Ảnh: Internet
Hàng “xách tay” kiểu gì mà nhiều đến vậy?
Trước đây hàng xách tay được xem là hàng hiếm, số lượng có hạn, đa số là hàng hiệu. Còn bây giờ, thật dễ dàng tìm ra các cửa hàng bán đồ xách tay. Chủ các cửa hàng xách tay có thể tự tin nói với bạn rằng, cần bao nhiêu hàng, cửa hàng cũng có thể đáp ứng.
Chẳng cần đi đâu xa, nằm ngay tại nhà và lên mạng gõ từ khóa “hàng xách tay” sẽ cho ra hàng nghìn kết quả như “hangxachtaynhat..”, “hangmyxachtay...”, “hanghieuxachtay...”.
Ở Sài Gòn và Hà Nội, có nhiều góc phố con đường được chị em rỉ tai nhau là “thiên đường” hàng xách tay, nhất là những con đường gần trung tâm thành phố.
Một khách hàng tìm mua sản phẩm xách tay ở quận Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ rằng khi chị đến mua tại một cửa hàng mỹ phẩm xách tay thấy họ bày bán rất nhiều sản phẩm. Trong số đó, có nhiều loại mỹ phẩm phục vụ chăm sóc sắc đẹp phụ nữ như kem tắm trắng, trị nám, kem dưỡng da nhân sâm, nhau thai cừu Lanolin, thực phẩm chức năng collagen, chất tẩy trắng răng... có xuất xứ Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Nhật... Điều đáng nói là giá cả sản phẩm rất rẻ, ví dụ kem tắm khô siêu trắng hiệu Dotor được ghi xuất xứ Hàn Quốc mà giá chỉ 140.000 đồng/hũ 200 gam trong khi giá ngoài thị trường hơn 1 triệu đồng!
Đánh tráo hàng thật giả
Chị L. ở Q.3, TP.HCM - một người chuyên săn hàng xách tay - bật mí rằng người bán có rất nhiều mánh trong nghề mà người mua không thể đề phòng. Người mới mua sẽ dễ “dính” hàng lỗi, hết hạn sử dụng hoặc hàng nhái. Người có kinh nghiệm trong mua hàng cũng dính bẫy tráo hàng thật - giả.
Chị L. chia sẻ mặc dù thẩm định kỹ uy tín điểm bán, chị L. vẫn dính bẫy khi bị nhân viên giao hàng đổi sản phẩm giả, mặc dù trước đó họ bán hàng thật cho mình. Đến khi chị “cạch mặt” điểm bán ấy, thì họ cũng tìm cách đổi tên cửa hàng nên mình không thể biết.
Vì vậy, chị L khẳng định rằng mua hàng xách tay là con dao hai lưỡi với bất cứ người có kinh nghiệm hay không. Thậm chí, chính những người kinh doanh mặt hàng này cũng là nạn nhân khi không thể thẩm định uy tín người phân phối hàng cho mình.
Cơ quan quản lý thị trường TP.HCM phát hiện lượng lớn thực phẩm chức năng, dược phẩm giả mạo từ Trung Quốc tại kho chứa Q.11, TP.HCM - Ảnh: Lê Sơn
Một trang mạng rao bán sản phẩm sữa ong chúa hiệu Golden Care Royal với giá chỉ 575.000 đồng/hộp của Úc loại 365 viên trong khi giá trung bình ngoài thị trường là 795.000 đồng/hộp.
Thậm chí các trang rao vặt còn kèm theo hình ảnh, hướng dẫn phân biệt thật - giả... Tuy nhiên, khi liên lạc để đến nơi xem sản phẩm trực tiếp, nhiều điểm rao bán từ chối và hứa giao hàng tận nơi, đảm bảo uy tín.
Mới đây, nhiều vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng “ngoại nhập” giả mạo với số lượng khủng tại quận 1, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã bị cơ quan chức năng lật tẩy.
Bí kíp phân biệt mỹ phẩm xách tay thật và giả
Mặc dù sản phẩm giả mạo tràn lan nhưng với vài bí kíp bỏ túi có thể giúp chị em nhận dạng được hàng nhái để tránh tiền mất tật mang.
Sản phẩm chính hãng phải có thành phần, công ty chịu trách nhiệm về sản phẩm, số đăng ký chất lượng. Nếu sản phẩm ghi bằng tiếng nước ngoài để che mắt khách hàng, bạn ít nhất có thể nhận ra được đâu là địa chỉ công ty sản xuất. Hàng nhái chính là sản phẩm có địa chỉ công ty không rõ ràng hoặc không có.
Nhãn mác các sản phẩm chính hãng có màu sắc đằm thắm, không quá rực rỡ, không lem nhem - Ảnh: Internet
Sản phẩm chính hãng phải có số lô sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn. Các sản phẩm này được in ấn với thiết bị tiên tiến, hoàn toàn khác biệt với sản phẩm nhái, được in mực hoặc in nổi.
Mỹ phẩm nhái khi dùng thử trên da thường gây cảm giác nhờn nhờn khó chịu.
Nhãn mác của sản phẩm chính hãng màu sắc đằm thắm, không quá rực rỡ, không lem nhem. Bên ngoài sản phẩm thật được bọc bởi giấy bóng kính trong suốt, với công nghệ bao chân không để đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm kém chất lượng thường được gói bằng giấy kính, dễ bóc.
KHÁNH VÂN (Tin8)