Có không ít đề tài phim ảnh lấy ý tưởng từ những bác sĩ đại tài và tất nhiên bạn sẽ được chứng kiến những màn cứu người thần tốc và vô cùng hiệu quả. Nhưng khoan hãy nghĩ rằng bản thân có thể đạt đến trình độ “cứu đâu sống đó” như trong phim vì hoặc là bạn phải là bác sĩ đại tài, hoặc là những phương pháp cứu người đó cực kì… nhảm nhí!
Tát vào mặt một người nào đó khi họ đang hoảng loạn!
Phân cảnh thường xuyên thấy trên phim
Bạn là mọt phim TVB? Vậy thì xin chúc mừng, bạn sẽ thấy hàng loạt các cảnh tát vào mặt đối phương trong khi cả hai đang cãi nhau chí chóe chỉ để ngắt lời người đối diện theo phương châm “tát cho tỉnh”. Nếu bạn yêu phim Âu Mỹ, khi có ai đó rơi vào trạng thái hoảng loạn, người xung quanh sẽ xông vào "công kích" họ, như trong phim Airplane chẳng hạn.
Các phim như Night of the Living Dead, Buffy hay The Incredibles cũng có cảnh người đang phát hoảng bị tát thẳng vào mặt. Nhưng đừng vội tin, kiểu chữa bệnh bạo lực này thực sự chẳng khoa học tí nào đâu.
Nguy cơ cao là bạn sẽ bị đánh lại
Thực chất, hốt hoảng bao gồm một chuỗi các vấn đề sinh lý và tâm lý, từ thấy hoa mắt, chóng mặt nhẹ, cho tới tức ngực, khó thở, thiếu kiểm soát, ảo giác và mất cảm giác đau. Tát vào họ không khiến họ trở nên khá hơn mà còn có thể khiến họ nổi khùng và (tất nhiên là) đánh lại bạn không còn manh giáp!
Cách nhanh nhất để đuổi “con người thứ hai” của mình: Kêu nó biến đi!
Các biên kịch Hàn Quốc rất hay tạo ra kiểu nhân vật này, thậm chí có cả người sở hữu tới 7 con người khác nhau! Nhờ thế, các biên kịch có thể bộc lộ được chiều sâu tâm lý nhân vật, đồng thời kéo thêm thời lượng phim cho nhân vật giải quyết mâu thuẫn bên trong chính mình.
Phim Hàn đầy rẫy nhân vật đa tính cách
Thực ra triệu chứng rối loạn đa nhân cách không phải là một căn bệnh được nghiên cứu rõ ràng. Trên thực tế, giới y khoa còn chưa hiểu rõ bản chất của chứng đa nhân cách, đừng nói gì đến cách chữa.
Quay lại với phim ảnh, nếu bạn nhìn thấy một người đa nhân cách và khuyên họ chữa bệnh bằng cách hét lên “Ta sẽ không bao giờ để ngươi điều khiển nữa!” thì tất nhiên, điều đó vô nghĩa!
"Biến đi!" là câu nói vô dụng cực kì trong trường hợp này
Nhầm lẫn cực kì tai hại: rút dao, cung tên ra ngay sau khi bị đâm
Cung tên được bắn ra với một lực rất mạnh và một khi nó cắm vào da thịt bạn thì nó sẽ khít chặt. Nếu bạn càng cố rút nó ra nó sẽ càng làm cho vết thương loét rộng ra và bạn sẽ càng đau đớn hơn mà thôi.
Mũi tên như này cắm vào người, bạn nghĩ rút ra thì da thịt sẽ toàn vẹn?
Trên thực tế, nếu tên bắn vào chỗ hiểm, bạn sẽ chết rất nhanh sau khi trúng tên, không có thời gian để tìm chỗ trú hoặc truyền đạt “nhẹ” vài câu kéo dài tận vài chục phút như trong phim đâu! Phương pháp rút cung chính thống là đè mạnh lên vết thương, dùng vải quấn quanh cung và loại bỏ phần thân cung càng nhiều càng tốt để vết thương không bị tác động thêm, không dao động nhiều làm vết thương trầm trọng hơn.
Lấy cây bút/ ống hút đâm ngay cổ họng của người ngừng thở
Thực tế phương pháp này gọi là "mở sụn nhẫn giáp", dành cho những ai ngạt thở vì hẹp khí quản.
Hãy thực hiện nó nếu bạn là bác sĩ lành nghề
Và điều kiện để thực hiện nó là gì? Bạn phải có một số thiết bị cần thiết và hơn hết tay nghề phải thật vững. Vì thấy quá nhiều người lạm dụng phương pháp này, các nhà nghiên cứu đã làm một thí nghiệm kiểm chứng mức độ hiệu quả của nó trên một cái xác còn mới. Trong số 10 sinh viên khoa y làm thử phương pháp, chỉ có 1 người thành công sau 3 lần thử, 9 sinh viên còn lại thì… làm toác cổ họng cái xác luôn. Và tất nhiên nếu bạn không học y, bạn sẽ không thể biết được ống bút nào là thích hợp bởi rộng quá cũng không được mà hẹp quá cũng không xong.
Bị ngộ độc hay chơi thuốc quá liều
"Một phát tỉnh luôn" trong phim Pulp Fiction (Chuyện Tào Lao)
Người cứu chữa chỉ cần đâm một cây kim vào tim nạn nhân là xong . Phương pháp "Tiêm vào tim" từng là một thủ thuật y khoa rất nổi tiếng vào những năm 70 của thế kỷ trước. Phương pháp này còn phải kèm theo kỹ thuật hồi sức tim phổi nữa nhưng thông thường trong phim không hề đề cập đến giai đoạn này. Cần phải cực kì cẩn thận bởi nếu không có kĩ thuật, chỗ bị đâm sẽ chảy máu và bệnh nhân sẽ “gặp ông bà” nhanh hơn dự kiến nhiều!
NGÂN LÊ (Tin8, ảnh: Internet)