Bị thương hộc máu miệng: Đây là phân cảnh mà hầu như phim cổ trang nào cũng có. Dù là mỹ nhân hay anh hùng, đã bị thương hay trúng độc là phải hộc máu miệng. Phạm Băng Băng cũng bị tra tấn tới hộc máu miệng khi đóng trong phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ.
Hoắc Kiến Hoa với vai thần tiên nội công thâm hậu trong Hoa Thiên Cốt cũng phải phụt máu miệng khi bị thương đầy mình.
Nhảy vực nhưng không chết: Có thể nói mỗi nhân vật trong phim cổ trang đều là những “cao thủ nhảy vực”. Dù vực sâu tới mấy thì trong quá trình rơi cũng vướng phải cành cây hoặc được cao nhân cứu giúp. Vì thế mà khán giả luôn yên tâm cho tính mạng của nhân vật mà mình yêu thích.
Đông Phương Bất Bại thả mình xuống vực sâu trong Tiếu ngạo giang hồ 2014. Lệnh Hồ Xung đã đau đớn khi nghĩ rằng Đông Phương qua đời. Bất ngờ ở cuối phim, Đông Phương Bất Bại lại trở về với vết xước nhỏ trên mặt. Biên kịch không giải thích và khán giả cũng không hề thắc mắc về kỳ tích này.
Cảnh tìm người có một không hai: Dù người đi tìm chỉ mô tả rằng người cần tìm cao ngần này, gầy ngần này và đưa ra bức vẽ không hề giống người thật song câu trả lời luôn được đối tác hét to là "Đúng rồi, chính là người đó".
Câu nói "Trời không còn sớm, chúng ta mau tìm chỗ nghỉ đi" thường được nói khi trời còn rất sáng. Dù vậy, khán giả cũng không tỏ ra khó chịu hay phi lý khi nghe lời thoại quen thuộc này.
Chích tay lấy máu, kiểm chứng con ruột: Mặc dù giới khoa học chưa chứng minh cách này là đúng song chi tiết phi lý ấy không bao giờ khiến khán giả thắc mắc.
Cảnh ngụy trang rất hời hợt vẫn có thể che mắt thế gian: Dù rằng tấm che mặt mỏng tang nhưng cũng đủ để giai nhân, tài tử đeo vào và che giấu thân phận.
Bí kíp võ công dễ tìm: Dù là bí quyết võ công tuyệt đỉnh, cao thủ luyện cả đời cũng khó thành nhưng một thiếu niên chân yếu tay mềm chỉ cần vô tình rơi xuống vực sâu là “lượm được bí kíp”.
ĐỒNG Á (Tin8, Ảnh: Internet)