Một nghiên cứu ở Nhật cho thấy người nào uống càng nhiều trà xanh thì sống càng thọ. Nhóm người uống đến 10 ly trà xanh mỗi ngày sẽ có tuổi thọ cao nhất. Tuy vậy, đa số người dân Nhật đều uống ở mức 5 ly trà xanh mỗi ngày và điều này cũng đã góp phần kéo dài tuổi thọ cộng đồng người Nhật.
Mỗi ly trà xanh 250ml được pha chế đúng cách từ 1,5 gr trà xanh khô. Đối với lá trà tươi, bạn có thể nấu một nhúm trà tươi với độ đậm tùy theo khẩu vị và thói quen của bạn. Mỗi ngày, bạn có thể uống khoảng 1 đến 1,5 lít (tức khoảng 4 đến 6 ly 250 ml trà loãng) thay cho nước uống bình thường.
Lá trà tươi mua về cần nấu ngay, vì nếu để lâu sau vài giờ thì quá trình oxy hóa EGCG sẽ xảy ra và tiêu hủy dần EGCG trong lá trà. Do đó, không nên mua nhiều lá trà tươi về cất trong tủ lạnh dùng dần mà mua ngày nào dùng ngày đó.
Uống trà xanh quá nhiều hoặc không đúng cách, bạn có thể sẽ mắc nhiều bệnh
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên uống quá nhiều trà xanh đậm đặc vì nó vẫn có một số tác dụng phụ nhất định.
Trà xanh gây phản tác dụng của thuốc và gây hại cho gan
Trà xanh được khuyến cáo là không được dùng khi uống thuốc. Nếu bạn uống thuốc với trà xanh hoặc uống trà xanh cùng thời điểm uống thuốc có thể sẽ gây ra kích thích về hormone và kháng sinh trong cơ thể. Điều này không những làm cho thuốc phản tác dụng mà còn có thể gây nguy hiểm cho gan.
Gây rối loạn tiêu hóa
Tannin trong trà xanh có thể là nguyên nhân rối loạn tiêu hóa vì nó kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit hơn. Đối với những người có vấn đề về dạ dày bao gồm loét và trào ngược dạ dày, thực quản thì tình trạng rối loạn tiêu hóa có thể gây ra nhiều cảm giác khó chịu.
Làm rối loạn thần kinh
Mặc dù trà xanh chứa rất nhiều chất chống ô-xy hóa, giúp cơ thể duy trì sự trẻ khỏe, tránh lão hóa nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể uống nhiều trà xanh hàng ngày. Nếu uống quá nhiều trà xanh, lượng caffeine dư thừa đó có thể dẫn đến rối loạn trong bài tiết hocrmone của các tuyến trong cơ thể. Điều này có thể khiến bạn rơi vào tình trạng rối loạn thần kinh trầm trọng. Chúng ta chỉ nên uống tối đa 2-3 tách trà đậm đặc mỗi ngày.
Ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng vào cơ thể
Lượng tannin quá nhiều trong trà xanh khi hấp thụ đôi khi có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết vào máu, đặc biệt là sự hấp thu sắt. Các nghiên cứu đã mô tả rằng ở những người tiêu thụ trà xanh quá mức sẽ có sự hấp thụ sắt giảm đáng kể.
Theo một nghiên cứu gần đây, các bác sĩ thường khuyên phụ nữ mang thai nên tránh uống trà xanh trong những tháng đầu của thai kì. Điều này sẽ tốt hơn cho sức khỏe của thai nhi vì caffein trong trà xanh có thể gây ra tác động có hại đối với não đang phát triển của trẻ và có liên quan đến khuyết tật thần kinh ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, nếu chúng ta uống nhiều trà xanh lúc mang thai có thể làm cho lượng sắt cung cấp cho cả mẹ và thai nhi bị thiếu hụt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả hai.
Giảm tác dụng của trà xanh trong quá trình giảm cân nếu như kết hợp khi uống với đường
Caffein trong trà có thể nâng cao lượng dịch dạ dày tiết ra, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, tăng cường tốc độ đốt cháy mỡ thừa. Mỗi cốc trà cũng có thể giúp bạn tiêu hủy 80 calo. Các chất hỗn hợp vitamin trong trà cũng giúp giảm bớt mỡ thừa trong cơ thể nên có thể có ích trong công cuộc giảm cân. Hơn nữa, trà xanh không chứa calo nên rất tốt cho những người muốn giữ gìn vóc dáng. Nhưng nếu bạn cho một chút đường vào trà để uống thì thức uống này sẽ không còn tác dụng giảm cân nữa, trái lại sẽ khiến bạn tăng cân nhanh hơn.
Giáng Châu (Tin8, hình minh họa: Internet)