Những tai nạn bỏng nặng do nồi áp suất
Sự cố nổ nồi áp suất khiến cậu bé tên T.H.P bị bỏng nặng, thương tích toàn thân - Ảnh: Tin8
Năm 2013, cơ sở làm bánh tráng của ông Nguyễn Đình Toàn trú thôn Bình Trung 1, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh đã xảy ra một vụ nổ nồi áp suất nghiêm trọng, dù đồng hồ đo áp suất bị hư hỏng nhưng cơ sở vẫn sử dụng để kịp tráng bánh cung cấp cho ngày gần Tết. Không ngờ bộ nồi áp suất nổ khiến 5 người trong cơ sở thương vong và hàng chục ngôi nhà bị ảnh hưởng.
Vào ngày 14-1-2015, một vụ nổ nồi áp suất xảy ra tại nhà anh Ngô Văn Minh, thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, Quảng Nam). Sự cố khiến hai người chết tại chỗ và một người bị thương nặng… Mới đây, một vụ nổ nồi áp suất đã xảy ra tại quận Thủ Đức, TP.HCM khiến nhiều người bàng hoàng, lo sợ. Sự cố khiến cậu bé tên T.H.P, 12 tuổi bị bỏng nặng, thương tích toàn thân.
Được biết, cậu bé sang nhà bạn chơi, mẹ của người bạn đó đang chế biến thực phẩm bằng nồi áp suất. Khi nồi còn đang nóng, bà đột ngột mở nắp khiến nồi nổ, nước văng tung tóe. Hiện tại, cậu bé phải đến bệnh viên 175 mỗi ngày để điều trị, thay băng vết thương...
Tại sao không nên mở nắp nồi áp suất khi vừa nấu xong?
Vừa nấu xong đã mở ngay nắp nồi, lúc này áp suất trong nồi còn rất lớn sẽ đẩy hơi nóng hoặc thức ăn bắn vào người gây bỏng - Ảnh: Internet
Khi vừa nấu xong, áp suất và nhiệt độ trong nồi rất lớn vì chúng không thoát ra ngoài mà tích tụ bên trong nồi. Hệ thống van điều áp và gioăng đệm cao su ở trên nắp sẽ giúp duy trì áp suất ổn định và không làm mất nhiệt khi nấu.
Khi áp suất đến ngưỡng chịu đựng thì bộ phận van hạ áp, hay còn gọi là xu-páp sẽ tự điều chỉnh áp suất trong nồi nhưng vẫn còn rất nón. Nếu người sử dụng vừa nấu xong liền mở ngay nắp nồi sẽ khiến áp suất trong nồi đẩy hơi nóng hoặc thức ăn bắn vào người gây bỏng nặng thậm chí là nguy kịch.
Bên cạnh những yếu tố gây nguy hiểm cho người sử dụng do không hiểu đúng nguyên tắc sử dụng thì không hiếm trường hợp mua phải nồi kém chất lượng, hàng giả, không đảm bảo độ bền cơ học, các thiết bị van an toàn, xu-páp không bảo đảm nên khi nấu, các linh kiện này không hoạt động hoặc gắn kết không chắc chắn cũng dẫn đến nổ khi áp suất trong nồi tăng cao...
Nguyên tắc khi sử dụng nồi áp suất an toàn
Nguyên tắc lượng thức ăn khi cho vào nồi không không nên quá 2/3 nồi - Ảnh: Internet
Để tránh xảy ra sự cố cháy nổ khi sử dụng nồi áp suất, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Khi nấu xong, bạn phải tắt lửa chờ cho hết bớt hơi rồi mới mở nắp để tránh bùng hơi. Bạn nên nghiêng sang một bên, không để mặt, để tay trực diện vào gần nồi khi mở nắp vì hơi nóng có thể gây bỏng.
- Chú ý van giảm áp. Bạn phải giữ sạch van, không để hoen rỉ, có thể kiểm tra bằng cách nhấc lên nhấc xuống, nếu thấy không đảm bảo thì cần phải thay mới. Phải thường xuyên kiểm tra lại các van áp suất xem nó có tắc không. Bởi khi van giảm áp bị tắc, không thấy xì hơi, người dùng dễ tưởng là áp suất bên trong hết rồi liền vặn ra có thể gây nổ làm bỏng.
- Không nên nấu lượng thực phẩm quá nhiều. Bạn chỉ nên nấu chừng 2/3 nồi áp suất là vừa, tránh thức ăn (đặc biệt thức ăn sệt như cháo, bánh đúc...) trào ra làm tắc các van an toàn và van giảm áp.
- Đun lửa không quá to. Khi thấy nồi áp suất xì hơi mạnh thì giảm bếp lửa nhỏ nhất. Tùy theo loại thức ăn mà có thời gian nấu khác nhau, thông thường, bạn nên làm theo sự hướng dẫn trong sách. Lưu ý thời gian nấu bắt đầu tính từ lúc hơi thoát ra ở van chứ không phải từ lúc bắc lên bếp.
- Tuyệt đối không dùng vật nặng đè lên van. Bạn đừng vì mong thức ăn mau chín mà dùng vật nặng đè lên van giảm áp vì rất nguy hiểm, nồi có thể nổ.
KHA MY (Tin8)
Bạn có thể mua hàng online chất lượng và uy tín với Nguyễn Kim tại đây: