Trong độ 3-4 tuổi, não bộ của trẻ phát triển rất nhanh. Trong thời gian này thực phẩm được đưa vào cơ thể có thể làm tăng hoặc giảm trí thông minh cho trẻ. Thói quen ăn uống cùng thực phẩm nạp vào cơ thể sẽ quyết định khả năng ghi nhớ, tập trung, tỉnh táo của trẻ… Nếu ăn uống không đúng khoa học thì những vấn đề đó trong não bộ của trẻ đều suy giảm. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến trong cách nấu ăn của các mẹ làm bé giảm trí thông minh.
Lạm dụng đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ
Một nghiên cứu tại Đại học London cho thấy đồ ăn nhanh không những gây ra tình trạng béo phì ở trẻ mà còn làm giảm trí thông minh. Theo đó, nghiên cứu chỉ rõ rằng, những đứa trẻ tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh thường có chỉ số IQ khi trưởng thành thấp hơn so những đứa trẻ được bố mẹ nấu cho ăn hàng ngày.
Một nghiên cứu khác tại trường Đại học Adelaide, Úc từng công bố vào tháng 8-2012 cũng cho thấy, trẻ em ăn quá nhiều thức ăn nhanh sẽ có trí thông minh cực kém. Nghiên cứu đã thực hiện với 7.000 đứa trẻ được kiểm tra ở các mốc 6 tháng tuổi, 15 tháng tuổi và 2 tuổi với chế độ ăn uống được định sẵn. Kết quả kiểm tra lần cuối cùng vào lúc 8 tuổi cho thấy những đứa trẻ tiêu thụ thực phẩm ăn nhanh, không lành mạnh có chỉ số IQ thấp hơn so với những đứa trẻ ăn uống lành mạnh.
Trong thực phẩm ăn nhanh có chứa rất nhiều dầu mỡ. Chất béo một khi vượt quá mức cho phép sẽ gây ra tắc nghẽn động mạch và làm giảm oxy đến các cơ bắp, tim và não. Đồng thời, chất béo còn làm giảm lượng omega3, omega 6 trong não. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến trí tuệ của trẻ.
Ngoài ra, trong chất béo có hàm lượng nhôm cực cao, dễ dẫn đến suy giảm trí não ở trẻ. Điều này giải thích cho hiện tượng một số trẻ béo phì vì ăn nhiều thức ăn nhanh có phản ứng chậm chạp, thiếu nhạy bén.
Cho quá nhiều muối vào đồ ăn
Bên cạnh thực phẩm ăn nhanh, đồ ăn nhiều muối cũng ảnh hưởng không nhỏ đến trí tuệ của trẻ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm chứa nhiều muối dễ gây ra cao huyêt áp và tổn thương mạch máu ở trẻ, làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ khi trẻ trưởng thành.
Ngoài ra, đồ ăn quá mặn còn ảnh hưởng đến trí não và trí thông minh của trẻ nhỏ. Natri clorua có trong muối một khi quá nhiều sẽ gây khó khăn trong việc cung cấp máu và oxy lên não. Điều đó làm não khó chống cự với sự căng thẳng và khó để làm việc bình thường được.
Ngành y tế Canada từng khuyến cáo: Trẻ em từ 1-3 tuổi không ăn quá 1.500 – 2.200 mg natri mỗi ngày. Từ 4 tuổi trở lên không vượt quá 2.300 mg natri/ ngày. Bên cạnh đó, để tăng trí thông minh cho trẻ nhỏ, mẹ nên cho con ăn một số thực phẩm có hàm lượng đường tự nhiên (mật ong, trái cây, hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều, đậu phộng); sữa, rau xanh, hải sản...
THANH THỦY (Tin8, Ảnh: Internet)