Hãy nghe lời và làm theo những gì bọn cướp yêu cầu - Ảnh minh họa: Internet
1. Nếu bị cướp, hãy nghe lời tên cướp
Khi gặp phải cướp, bạn phải bình tĩnh và nghe lời bọn chúng. Đừng cố gắng chống trả chúng, đặc biệt khi bạn chỉ có một mình. Nếu bạn hô hoán hoặc chống cự thì tình hình sẽ càng nguy hiểm hơn, bởi vì bạn có thể làm tên cướp sôi máu.
Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất là bạn phải giữ được bình tĩnh. Có như vậy bạn mới có cơ hội tìm ra sơ hở của bọn cướp để gọi người ứng cứu hay tự giải thoát cho mình. Thông thường, mỗi tên cướp “hành nghề” đều có mục đích như cướp tài sản, tống tiền,… Bởi vậy, trong tình huống xấu nhất, bạn hãy làm theo mọi yêu cầu mà chúng đưa ra để đảm bảo an toàn cho bản thân.
2. Bình tĩnh nhận dạng tên cướp
Hãy bình tĩnh nhận diện tên cướp - Ảnh minh họa: Internet
Nếu bọn cướp xông thẳng vào nhà uy hiếp tống tiền thì bạn cần phải bình tĩnh, tỏ thái độ hợp tác và làm theo yêu cầu của chúng. Đồng thời, bạn phải nhanh chóng nhận dạng tên cướp qua hình dáng như: tên cướp cao hay thấp, béo hay gầy, trên người có hình xăm hay dị tật gì không,… Ngoài ra, bạn nên cố gắng xác định giọng nói của tên cướp để sau này cung cấp thông tin cho công an điều tra.
Khi tên cướp bỏ đi, bạn không nên đuổi theo tên cướp mà phải báo ngay cho cảnh sát hoặc bảo vệ. Những đồ đạc trong nhà không được di chuyển cho đến khi công an tiếp cận hiện trường.
3. Đừng để “mỡ treo miệng mèo”
Không để tài sản phô diễn ngoài phố - Ảnh minh họa: Internet
Nhiều người tham gia giao thông thường rất chủ quan, "phô" hết tài sản của mình ngoài đường phố. Đặc biệt với phụ nữ, trang sức và túi xách là 2 thứ hầu như ai cũng mang theo khi tham gia giao thông. Đó chính là mục tiêu mà nhiều tên cướp hướng đến.
Phương án tốt nhất là bạn nên cất trang sức có giá trị cũng như túi xách vào cốp xe hoặc che kín, không để tên trộm thấy.
Ngoài ra, việc bạn vừa đi vừa sử dụng điện thoại cũng thu hút ánh nhìn của bọn cướp, chưa kể việc nghe điện thoại còn là hành vi vi phạm giao thông. Nếu như cuộc gọi đến rất quan trọng thì trước tiên, bạn hãy tấp vào lề đường, quan sát xung quanh xem có an toàn không rồi mới nghe. Khi nghe, bạn phải cầm điện thoại thật chặt, cả bàn tay ôm gọn chiếc điện thoại.
4. Tri hô kịp thời và đúng cách
Phải tri hô đúng cách và kịp thời - Ảnh minh họa: Internet
Tâm lý con người khi gặp nguy hiểm thường có hai trạng thái. Một là không đủ tỉnh táo để biết mình phải làm gì; hai là bình tĩnh tri hô nhằm mục đích thông báo có cướp cho mọi người xung quanh biết.
Nếu chọn cách tri hô thì bạn đừng bao giờ tri hô những câu chung chung như “Bớ người ta!”, “Cướp! Cướp!”… Bởi vì, mọi người xung quanh sẽ không biết bạn đang gặp phải chuyện gì hoặc đa số mọi người sẽ né đường vì sợ. Thay vào đó, bạn hãy tri hô những câu mang tính hành động như “Cướp! Bắt lấy hắn!” hay “Cướp! Chặn đường nó lại!”. Lúc này, mọi người xung quanh sẽ có xu hướng phản ứng theo nội dung hành động mà bạn tri hô.
Cuối cùng, bất cứ trường hợp nào, bạn cũng phải báo ngay cho cảnh sát. Đó là cơ hội duy nhất để bạn tìm lại được những thứ bọn cướp đã lấy.
THIÊN LÝ (Tin8)