Ông Walt Bettinger muốn lựa chọn nhân viên thông qua cách họ xử lý tình huống trong buổi ăn sáng cùng mình - Ảnh: Internet
Ông Walt Bettinger, CEO hãng dịch vụ tài chính Charles Schwab cho biết ông lựa chọn ứng viên theo phẩm chất đạo đức và khả năng ứng biến của họ trong cuộc sống chứ không chọn theo trình độ chuyên môn. Bởi thế, ông đã bỏ qua những buổi phỏng vấn chuyên môn ở văn phòng để mời ứng viên đến nhà hàng dùng bữa sáng cùng mình.
Theo ông, thông qua cuộc trò chuyện trên bàn ăn, ông có “nhìn thấy” được tố chất ban đầu của ứng viên. Trước đó, ông đã liên lạc trước với nhà hàng và yêu cầu nhân viên cố tình làm sai món ăn mà khách của ông đã gọi. Ông sẽ trả thêm tiền tip cho nhân viên nhà hàng, họ chỉ việc giúp ông làm rối tung mọi việc lên.
Trong mỗi buổi ăn sáng với một ứng viên, ông Bettinger sẽ gợi ý để họ kể về những thành công lớn nhất trong cuộc đời họ. Thông qua câu chuyện đó, ông sẽ biết được quan điểm của ứng viên về những sự việc bên ngoài xã hội gắn liền với cá nhân hay cộng đồng. Ngoài ra, câu chuyện về thất bại cay đắng trong cuộc đời ứng viên sẽ giúp ông đánh giá xem người đó có sẵn sàng nhận lỗi về mình hay sẽ đổ lỗi cho người khác hoặc một điều kiện khách quan nào đó.
Đến khi thức ăn được mang ra, Bettinger đã biết chắc chắn là món ăn đó đã làm sai ý của ứng viên. Ông muốn xem ứng viên phản ứng như thế nào với việc này. Từ đó sẽ suy ra thái độ của họ khi đối mặt với nghịch cảnh. Họ phàn nàn, nổi giận, cảm thông hay sẽ im lặng sử dụng món ăn mà nhân viên mang tới dù biết họ đã làm sai ý mình. Thông qua phản ứng đó, Bettinger sẽ thấu hiểu được tâm hồn của người khách đang dùng bữa sáng với ông.
Thông qua cách phản ứng của ứng viên khi đối mặt với những rắc rối xảy ra trong bữa ăn, nhà tuyển dụng sẽ chọn cho mình người phù hợp nhất - Ảnh minh họa: Internet
Nếu bạn bị phục vụ nhầm món mà vẫn rụt rè không lên tiếng với nhân viên thì người phỏng vấn sẽ nghĩ bạn là người nhu nhược, không sẵn sàng chỉ ra sai phạm trong công việc. Dĩ nhiên là bạn không cần phải nổi giận và dùng những lời lẽ thô lỗ với nhân viên phục vụ nhưng bạn hoàn toàn có thể yêu cầu họ thay đổi món ăn theo đúng ý bạn bằng thái độ lịch sự và tôn trọng.
Kinh doanh cũng giống như cuộc sống. Ai cũng có thể mắc phải sai lầm nhưng điều quan trọng là bạn có sẵn sàng nhận thấy sai lầm của mình và tôn trọng người khác khi họ lỡ sai phạm hay không. “Tôi cần chọn những ứng viên có cách hành xử đẹp khi gặp những sự cố nho nhỏ trong buổi ăn sáng với mình”. Ông Bittinger chia sẻ.
Có thể nói, hình thức lựa chọn nhân viên theo kiểu của ông Bittinger là dạng tìm nhân tài cho doanh nghiệp thông qua những kỹ năng mềm của họ chứ không đặt nặng vấn đề bằng cấp. Đây cũng là xu hướng tuyển dụng mới trong vài năm gần đây của nhiều doanh nghiệp trên thế giới.
KHÁNH HÒA (Tin8)