Đơn giản và hiệu quả là nguyên nhân chính khiến bài tập dựa chân vào tường trở nên nổi tiếng và phủ sóng rộng khắp thế giới. Hiện tại, số lượng người áp dụng bài tập này rất đông đảo và không ngừng tăng lên.
Bài tập này có lên tiếng anh là Legs Up the Wall, nghĩa là dựa chân vào tường. Nhiều nam thanh nữ tú đang háo hức thực hiện bài tập này mọi lúc mọi nơi. Được biết bài tập này có xuất xứ từ một động tác Yoga ở Ấn Độ có tên là Asana. Khi được biến hóa bình dân và dễ làm hơn, động tác này trở nên phổ biến và phủ rộng khắp châu Âu đến châu Á, bất kỳ ai cũng có thể làm theo một cách dễ dàng. Hầu hết phụ nữ, nhất là các bà, các chị nội trợ vô cùng ưa thích bài tập đơn giản nhưng thú vị này.
Bài tập dựa chân vào tường có cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần nằm hướng mặt vào tường, sau đó giơ hai chân lên cao giống như tư thế "trồng chuối", phần mông đến gót chân chạm sát vào tường. Nếu lần đầu thực hiện cảm thấy hơi khó khăn, các khớp còn cứng đơ thì bạn có thể lót thêm một chiếc gối dưới mông để cảm thấy thoải mái hơn. Giữ chân thẳng đứng như vậy càng lâu càng tốt. Để đạt hiệu quả cao cho bài tập, bạn nhắm mắt lại, nằm thả lỏng, hít thở sâu, đều đặn và chậm, mỗi lần hít lấy hơi dài. Làm như vậy khoảng 10-15 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn có được cảm giác khoan khoái, dễ chịu và tinh thần minh mẫn.
Việc nhấc chân cao lên và chạm sát vào tường sẽ tạo cảm giác xương chân và bụng tác động một lực lớn lên vùng xương chậu, cho bạn cảm giác được thư giãn các cơ, nhất là đối với những chị em hay ngồi văn phòng nhiều nên cơ chân bị phù nề. Khi bạn hạ chân xuống cần lưu ý động tác co chân, gập đầu gối, cong người và đầu lên theo tư thế ôm chặt đầu gối. Sau đó, thả lỏng và nằm nghiêng một lát rồi mới ngồi dậy, tránh thay đổi tư thế quá đột ngột nhất là đối với người cao tuổi hoặc người có sức khỏe yếu, các cơ kém linh hoạt.
Lưu ý khi tập động tác này là bạn cần tránh thời điểm sau khi ăn ít nhất 30 phút. Bạn có thể thực hiện đều đặn mỗi ngày 1-2 lần, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Người bận rộn có thể tập bất kỳ lúc nào cũng được miễn cảm thấy thoải mái.
Bài tập này tuy đơn giản nhưng đem đến hiệu quả ngoài sức tưởng tượng. Theo tài liệu Đông y ghi chép lại, bài tập này giúp cơ thể phòng ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch, cải thiện quá trình lưu thông máu. Các nhà nghiên cứu Đông y đã chứng minh được rằng bất kỳ một sự vận động nào có kết hợp với thở đều đều mang lại những hiệu quả tuyệt vời đối với cơ quan nội tạng và các bộ phận khác trên cơ thể.
Bên cạnh đó, bài tập này còn vô cùng hữu ích đối với những người mắc chứng sưng chân, phù nề, to đùi vì ngồi nhiều, ít vận động. Việc dốc ngược chân lên trên cao như vậy sẽ giúp chân thon gọn hơn, ngăn chặn hiện tượng phù chân. Chưa hết, bài tập dựa chân vào tường còn giúp giảm huyết áp, thúc đẩy lưu thông dịch trong cơ thể. Nếu bạn có công việc phải đứng và đi lại nhiều, đây cũng là bài tập hết sức bổ ích cho đôi chân, giúp chân thư giãn, giảm mệt mỏi.
Trong quá trình tập, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn nên nhướn chân lên cao hơn để có thể tập thể dục cho vùng bụng. Điều này giúp hệ tiêu hóa được thúc đẩy hoạt động tốt hơn, các dịch thể lưu thông dễ dàng, thúc đẩy tuần hoàn máu.
Một trong những lý do động tác này được áp dụng rộng rãi là vì nó không hề gây tốn sức, sau một ngày dài làm việc mệt mỏi bạn vẫn có thể áp dụng thực hiện mà không đổ mồ hôi nhiều. Không những vậy, bài tập còn giúp xoa dịu, thả lỏng hệ thần kinh sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, căng thẳng, quên đi những muộn phiền. Bài tập này còn giúp bạn tăng khả năng kiềm chế, giảm bớt sự nóng nảy, bức xúc, giúp trau dồi tâm trí.
Chính vì sự đơn giản, dễ tập nhưng lại đem đến hiệu quả bất ngờ mà bài tập dựa chân vào tường thu hút đông đảo "fan hâm mộ". Ở một số quốc gia như Nhật, Hàn, Trung Quốc… đang có xu hướng thiết kế những chiếc ghế kéo cơ đa năng nơi công cộng để mọi người có thể áp dụng bài tập này mọi lúc mọi nơi. Chiếc ghế này sẽ được đặt ở công viên để thuận tiện cho việc tập luyện của người dân. Hiện tại mẫu ghế này đã được sản xuất bán đại trà để nhiều người có thể mua về tập tại nhà.
NGÂN CA (Tin8, Ảnh: Internet)