Tết của người miền Bắc không thể thiếu hoa đào - Ảnh minh họa: Internet
Miền Bắc đón Tết tinh tế
Người miền Bắc không thể thiếu hoa đào trong ngày Tết. Hoa đào chính là một tín hiệu báo năm mới sắp đến. Theo quan niệm truyền thống, hoa đào tượng trưng cho sự may mắn, đặc biệt là lúc hoa đào cho hoa nhiều cánh.
Tết về, gia đình nào cũng chọn cho mình một cành đào ưng ý nhất, đem về đặt trước bàn thờ gia tiên để cầu mong sự an lành, hạnh phúc cho gia đình.
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc khoogn quá cầu kì nhưng rất tinh tế - Ảnh minh họa: Internet
Ngoài hoa đào, ẩm thực của người miền Bắc trong ngày Tết cũng cho thấy sự tinh tế của người “sành ăn”. Những món ăn không quá cầu kì như thịt đông, gà luộc, giò lụa, bánh chưng, nem rán… nhưng người miền Bắc lại có cách ăn “cầu kỳ” không nơi nào có được.
Miền Trung đón tết chăm chút, cầu kì
Người miền Trung rất trọng tình nghĩa, nhất là “tình làng nghĩa xóm”. Vậy nên, những ngày đầu năm mới, họ ngoài đi đến thăm và chúc Tết bà con họ hàng thì còn đi thăm láng giềng. Đây cũng là dịp mọi người lên chùa hái lộc, cầu may, cầu tài lộc cho các thành viên khác trong gia đình.
Người miền Trung đón tết chăm chút, cầu kì trong cách ăn lẫn các lễ hội - Ảnh minh họa: Internet
Nếu miền Bắc nổi tiếng với sự tinh tế trong việc kết hợp hài hòa giữa các món ăn thì mâm cỗ người miền Trung được chăm chút khá cầu kì. Những món ăn phải luôn đậm đà, chua có, cay có, mặn có, ngọt có. Gỏi trái vả, mít trộn, chả phụng, bánh tét, dưa món, nem… từ lâu đã trở thành những món ăn đặc trưng của người miền Trung và là nỗi nhớ của bao người con xa xứ mỗi độ xuân về.
Miền Nam đón Tết giản dị, nhẹ nhàng
Những con đường hoa ở miền Nam rất thu hút khách thập phương mỗi dịp Tết đến - Ảnh minh họa: Internet
Từ đầu tháng Chạp âm lịch, người dân Nam Bộ đã bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Tết ở miền Nam không rét như Tết ở miền Bắc, miền Trung. Miền Nam đón Tết trong tiết trời ấm áp, có ánh nắng xuân nhẹ nhàng.
Người miền Nam xem hoa mai là biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết. Nó thể hiện sự trường thọ và ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Tết đến, những phiên chợ hoa xuân thu hút rất nhiều du khách thưởng ngoạn và thư giãn sau một năm bộn bề công việc.
Tết của người miền Nam không thể thiếu canh khổ qua - Ảnh minh họa: Internet
Trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam không thể thiếu thịt kho tàu ăn với dưa giá và canh khổ qua. Đây là 2 món không thể thiếu trong mâm cơm cúng ông bà ngày 30 Tết của người miền Nam. Theo dân gian, khổ qua (mướp đắng) là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn. Ngoài ra, mâm cỗ ngày Tết cũng không thể thiếu thịt hầm, gỏi ngó sen, gà luộc…
THIÊN LÝ (Tin8)