Trong y học, thanh mai được dùng như một vị thuốc chữa nhiều bệnh
Quả thanh mai phổ biến ở với người miền Trung và miền Bắc, gần như không xuất hiện tại miền Nam nên chúng thật sự là một dấu chấm hỏi lớn đối với nhiều người miền Nam. Theo các chuyên gia, loại quả này còn gọi là dâu rượu, dâu tiên (tên khoa học là Myrica sp). Chúng là loại cây mọc tự nhiên, nhiều nhất là ở tỉnh Lâm Đồng (núi Langbian) và ở các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc, đặc biệt là ở Quảng Bình, Quảng Ninh, Lào Cai.... Cây còn mọc ở Ấn Độ, Malaysia, miền Nam Trung Quốc, Nhật Bản.
Loại cây này cao khoảng 0,4-0,5 m. Cành cây phủ đầy lông tơ cho lá xanh quanh năm. Quả có hình tròn, đường kính 5 mm - 1 cm, màu đỏ mọng nước khi chín, có nhiều múi nhỏ li ti ngoài bề mặt quả giống như quả dâu tằm. Thanh mai chín mỗi năm một đợt, thường vào khoảng tháng tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Nếu giờ bạn muốn thưởng thức thanh mai phải nhanh tay lên thì may ra “hốt được hội chót”.
Người ta dùng quả tươi cho lên men chế rượu dâu dùng uống thay cho các loại nước lên men; cũng có thể dùng quả khô để chế nước uống riêng...
Thoạt nhìn, cây thanh mai khá giống với cây vải
Quả thanh mai không phổ biến rộng khắp vì chúng chỉ mọc trên rừng, song lượng quả thanh mai mỗi mùa lại không nhiều. Người dân thường thu hái các bộ phận khác của cây quanh năm về để ăn và làm thuốc. Ai may mắn được thưởng thức quả thanh mai có thể bị “ghiền” bởi chúng có vị chua ngọt và hương thơm khó tả, hơn nữa lại rất bổ dưỡng cho cơ thể nên được bán với giá khá “chát”, dao động từ 130.000-150.000đ/kg, tùy loại to nhỏ khác nhau.
Nhiều người dùng thanh mai để giải nhiệt mùa hè hiệu quả bằng cách ngâm quả qua nước muối loãng chừng 20-30 phút cho ra hết chất bẩn và sâu là có thể ăn ngay. Bạn có thể ngâm đường, pha nước giải khát mùa hè giống như ngâm dâu tằm, dây tây và làm được ô mai. Loại quả này giàu axit hữu cơ, tanin, vitamin C, quả chín chứa đường, sắc tố antoxian, chứa 7-10% đường, 0,5-1% axit hữu cơ và rất ít myrixetin. Lá chứa 0,02-0,03% tinh dầu, tanin và taraxerol.
Những quả thanh mai chín mọng được thu hoạch đem bán
Thanh mai mọc thành chùm nhìn rất bắt mắt
Tuy nhiên, nước ta ít dùng loại quả này làm thuốc, chứng tỏ chúng ta chưa khai thác triệt để công dụng của thanh mai. Được biết, ở Trung Quốc, họ dùng thanh mai để chữa ho, đau dạ dày, tiêu chảy, lỵ, mồ hôi chân. Vỏ thân, rễ dùng điều trị vết loét ngoài da hoặc ngộ độc do thạch tín. Còn Ấn Độ và Nhật Bản dùng để làm nguyên liệu tanin, nhuộm màu vàng cho ruốc cá.
MINH QUANG (Tin8, Tổng hợp)