Hình tam giác lát mosaic chỉ rộng vỏn vẹn có 0,32m2 với một cạnh dài 65cm và hai cạnh còn lại 70cm, ghi rõ dòng chữ: "Đây là tài sản của Hess, bất động sản này chưa bao giờ được quyên tặng thành phố để dùng cho mục đích công cộng". Và quả như thế, đây đúng chính là một tài sản bất động sản thuộc quyền sở hữu tư nhân mà không một ai được quyền sử dụng hay xâm phạm vào.
Mảnh đất “tréo ngoe” này vốn là một phần của tòa nhà chung cư năm tầng Voorhis của ông David Hess. Song đến năm 1990, thành phố ra quyết định xây đường tàu điện ngầm mới và phải mở rộng con đường nên gần 300 tòa nhà gần đó đã bị di dời và phá hủy. Dĩ nhiên, chung cư Voorhis cũng nằm trong số đó.
Cớ sự ra đời của “hình tam giác” ấy là do chính quyền khảo sát lỗi nên mảnh đất đã bị thừa ra ngay phần đất của Hess. Thế nên, sau khi máy móc đã nghiền nát tòa nhà, David Hess vẫn tìm thấy một mảnh đất siêu nhỏ của riêng mình. Khi phát hiện ra sai sót, đại diện thành phố đã gửi thông báo đến Hess muốn ông chuyển nhượng lại chút đất bé xíu này nhưng Hess đã từ chối.
Năm 1922, để khẳng định lập trường của mình, Hess còn lắp lại đá và đề chữ lên mảnh đất này để bất cứ khách du lịch trong và ngoài nước đặt chân đến New York cũng sẽ nhìn thấy “chủ quyền” này. Song, đến năm 1938, Hess bán lại nó cho chủ cửa hàng Village Cigars liền kề với giá 1000USD.
Đến nay, mảnh đất của Hess được coi là tài sản bất động sản nhỏ nhất ở thành phố New York và nơi đây đang là một trong những “điểm nhấn” của New York khi thu hút rất nhiều du khách tò mò đến tham quan và chụp hình kỷ niệm bên mảnh đất của Hess.
THÙY ĐAN (Tin8, Ảnh: Internet)