Làm sao để không bị chặt chém khi đi du lịch? - Ảnh minh họa: internet
Tham khảo thông tin
Trước chuyến du lịch, bạn nên tham khảo thông tin ăn uống, nghỉ ngơi ở một số trang web uy tín như dendau.vn, foody.vn,... hoặc các bài chia sẻ kinh nghiệm du lịch của một số blogger để biết được bao quát về văn hóa du lịch nơi mình sắp đến và né tránh được những "điểm đen" không nên đặt chân tới.
Nên tham khảo các trang ăn uống để có thêm thông tin đáng tin cậy - Ảnh chụp màn hình
Không cố chứng tỏ mình là khách du lịch
Bạn không nên chứng tỏ mình là khách du lịch mà hãy thật tự nhiên như người bản địa vậy - Ảnh: Internet
Nếu bạn cứ chứng tỏ mình là khách du lịch thì vô tình bạn đã tạo cơ hội để mình biến thành con mồi ngon lành cho những kẻ "chặt chém". Hãy chứng tỏ mình biết nhiều về nơi này hoặc có họ hàng ở đường A, phố B...
Điều này sẽ khiến những người bán hàng nghĩ rằng bạn đã hiểu biết rõ về nơi này nên họ không thể nào hét giá với bạn được. Họ cũng sẽ không xếp bạn vào loạt "khách hàng ngây thơ", còn bạn thì an tâm mình không bị hớ tiền.
Đừng ăn mặc quá khác biệt với văn hóa địa phương bạn đến
Hãy ăn mặc giống như người dân địa phương khi khi đi du lịch - Ảnh: Internet
Đừng dại dột đeo thật nhiều trang sức, vàng bạc sáng lóa khi đi du lịch bởi người dân sẽ dựa vào độ giàu sang bên ngoài của bạn mà "chém" bạn không thương tiếc.
Tâm lý bình thường của một người sẽ nghĩ đeo nhiều vàng hoặc ăn mặc đẹp là giàu, mà một khi đã giàu thì sẽ thừa sức trả những khoản tiền lớn. Vì thế, họ sẽ nâng giá lên trên trời. Nếu bạn càng kì kèo giá cả, họ sẽ càng có cớ mỉa mai bạn là "không có tiền mà còn mặc sang chảnh" hoặc "giàu mà keo".
Chính vì thế, hãy hòa nhập với văn hóa của người dân nơi bạn đến du lịch càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trong văn hóa ăn mặc.
Chọn quán đã niêm yết giá
Chọn nơi có giá niêm yết sẽ giúp bạn ít bị chặt chém hơn - Ảnh: Internet
Nhiều người thường nghĩ rằng mua sắm ở quán lề đường thì giá cả sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, việc này có tính rủi ro rất cao vì những quán lề đường rất hay nói thách giá và "chặt chém", mà bạn thì không có cơ sở để cãi lại.
Vì vậy, nếu bạn muốn mua sắm thì nên lựa chọn những nơi đã niêm yết giá. Vì khi giá đã niêm yết, bạn sẽ có cơ sở để tranh cãi với chủ quán nếu họ tính giá không đúng. Bên cạnh đó, cần hỏi lại giá nếu bạn thấy giá niêm yết ghi không rõ số hoặc đơn vị.
Đặc biệt, bạn nên xem kỹ hóa đơn tính tiền để đảm bảo rằng chủ quán không ghi thêm những món mà bạn không hề gọi hoặc mua.
Hỏi giá trước
Du khách đến Sầm Sơn từng bị chém với giá 600 nghìn một con gà - Ảnh: Internet
Hỏi giá trước khi ăn uống là hành động thông minh khi đi du lịch. Đừng ngại ngùng hỏi giá của món ăn đó là bao nhiêu trước khi bạn ngồi xuống. Bên cạnh việc đảm bảo không bị "chém" sau khi ăn xong, bạn còn thể hiện được với họ rằng mình không muốn bị hét giá.
Có thể họ không hề có ý định chặt chém khi bạn vào, nhưng trong quá trình bạn ăn uống, nói chuyện với bạn bè, họ có thể đoán biết về tính cách hay hoàn cảnh của bạn mà hô biến giá sao cho bạn phải trả và họ thì có lợi.
Vì thế, khi đã biết giá, bạn có thể an tâm ăn hoặc cũng có thể mạnh dạn rời đi nếu giá không phù hợp.
Trả giá
Nhiều du khách rất ngại trả giá khi đi du lịch. Điều này là hoàn toàn sai lầm nhé! Đa số người bán hàng luôn có tâm lý "thách giá" với khách, đặc biệt là dân du lịch. Vì thế, bạn đừng ngại trả giá và thương lượng đến mức giá bạn thấy hợp lý. Bạn cũng có thể thẳng thừng quay lưng khi cuộc trả giá của bạn không đi đến kết quả như mong đợi.
Cửa hàng thường thách giá, đặc biệt là với du khách nước ngoài - Ảnh: Internet
Kỹ năng trả giá là tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng mẹo chung là bạn đừng tỏ ra quá thích thú trước món hàng mình muốn mua vì chủ quán sẽ nắm bắt được tâm lý của bạn và không ngần ngại "chém" bạn hoặc thậm chí là không buồn xuống giá. Hãy cứ bình thản trước những món đồ khiến bạn phát cuồng bởi nhiều khi quay lưng bỏ đi vài bước, chủ quán sẽ gọi bạn lại ngay và đồng ý bán với mức giá bạn vừa trả.
Không nên đi theo "cò"
"Cò" là lực lượng đứng giữa, dẫn bạn đến các quán ăn hoặc khách sạn. Mỗi lần dẫn được khách du lịch đến một địa điểm, họ sẽ được chủ quán trả tiền "hoa hồng" khá cao. Chính vì vậy, "cò" thường nói những lời rất lọt tai và dễ nghe khiến bạn an tâm và răm rắp nghe theo mọi chỉ dẫn và tư vấn ủa họ. Bạn sẽ tin "cò" đang giúp đỡ mình mà không hề biết mình là con mồi để "cò" nhận hoa hồng và chủ quán thì có dịp "nâng giá" khi có "con nai vàng ngơ ngác" bước vào.
Bạn nên tránh xa "cò" khi đi du lịch - Ảnh: Internet
Bạn nhớ nhé, đừng để mình bị chém vì "ngoan ngoãn" đi theo "cò"!
ANTHONY (Tin8)