Hi vọng những câu chuyện "thương đau", những kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn trở thành "sát thủ" săn vé máy bay giá rẻ.
Vé rẻ sẽ không thật rẻ nếu...
Đặt vé giá rẻ trên mạng cho chuyến du lịch Đà Nẵng tháng 7 tới, Phương khá tự tin vì có kinh nghiệm. Giá vé tương đối thấp, 660.000 đồng/người chiều đi và 750.000 đồng/người chiều về cho 2 người. Song, khi thanh toán, chị ngạc nhiên vì tổng số tiền phải trả lên tới hơn 4 triệu.
Lúc đó, Phương thắc mắc, sao thuế phí hay dịch vụ gì mà đắt thế, nhưng cũng không hề hỏi lại nhân viên phòng vé.
Bẵng đi, mấy hôm sau, chị đặt mua tiếp vé cho người nhà, cũng từ Hà Nội vào Đà Nẵng, bay tháng 6. Giá vé rõ ràng đắt hơn mà tổng số tiền phải trả cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Phương kiểm tra lại vé mua trước đó. Hóa ra, chị không biết rằng mình đã nhầm khi mua thêm hành lý 20kg cho cả hai, cả chiều đi và chiều về, trong khi không có nhu cầu.
Giá cho 20kg hành lý là 150.000 đồng. Tính cả thuế VAT, chị mất toi khoản tiền 660.000 đồng.
Chị đăt vé lúc 18g, khi còn ở cơ quan. Vì vội vàng để về nhà nên chị không kiểm tra kỹ thông tin. Ngay cả email đặt vé gửi đến chị cũng không soi lại. Sáng hôm sau, chị ra phòng vé thanh toán luôn. Hỏi ra, chị không phải là người duy nhất mất tiền kiểu này. Hoàng Duy - nhân viên một văn phòng trên đường Kim Liên mới, kể lại, có lần anh đặt vé máy bay giá rẻ hộ vợ chồng người bạn, chặng Hà Nội - Sài Gòn.
Hãy xem xét khối lượng hành lý mà mình mang theo để lựa chọn cho phù hợp - Ảnh: Vietjetair
Thấy vé quá rẻ, chỉ 120.000 đồng/chặng chưa kể thuế, phí, Duy nhanh tay đặt luôn đồng thời cũng mua cả 20kg hành lý cho hai người, hai chiều, trong khi bạn không có nhu cầu. Rốt cuộc, Duy mất thêm 660.000 đồng, bằng đúng giá 1 vé mới. May mà giá vé mua được quá rẻ rồi nên vợ chồng anh bạn bỏ qua, nếu không, Duy phải bỏ tiền túi ra mà trả.
Trên thực tế, quá trình đặt mua vé trực tuyến, hãng hàng không này để mặc định khách mua 20kg hành lý/người/chiều. Nếu không có nhu cầu, khách phải chuyển sang dòng chữ “Không, cảm ơn”.
Nhưng nhiều khi, vì quá vội, quá hấp tấp, nhiều người đã bỏ qua bước này. Thế nên, số tiền được tính luôn vào giá vé mà khách không hề hay biết, hoặc có biết thì tiền cũng đã trả. Tiền trao cháo múc, điều kiện quy định rõ ràng, khách không có cơ hội lấy lại.
“Ngay lúc đặt mua tôi đã phát hiện ra lỗi, muốn huỷ vé vừa đặt, nhưng đặt lại vé mới thì sợ hết code (mã) giá rẻ. Thôi thì đành phải chịu”, Duy than thở.
Hãy đọc kỹ các thông tin khi săn vé máy bay giá rẻ - Ảnh: Vietjetair
Trên đây là một trong số rất nhiều lỗi khi đặt vé máy bay giá rẻ khách thường gặp. Nhầm ngày, nhầm giờ bay, sai tên, mua thêm hành lý, thêm suất ăn không mong muốn,... khiến khách mua tốn thêm một khoản không nhỏ, kể cả với người có kinh nghiệm. Chỉ cần một phút lơ đãng, không cẩn thận, không xem xét kỹ là có thể mất cả triệu đồng. Vé rẻ hoá ra đắt đỏ.
“Khi bạn đã bấm vào nút ‘Đồng ý với các điều kiện trên’ và thanh toán tiền, tức là một hợp đồng mua bán đã hoàn thiện. Kể cả thanh toán qua ATM hay thẻ VISA, thẻ nội địa khách cũng phải chấp nhận”, đại diện Hàng không tư nhân Vietjet Air cho hay.
Nếu không để ý phụ phí, có thể mất tiền như chơi
Những phụ phí bạn có thể mất khi đi máy bay, mà không phải ai ai cũng biết, và việc tìm hiểu rõ về chức năng của từng loại phụ phí này, có thể giúp bạn đưa ra những lựa chọn hợp lý khi du lịch bằng máy bay.
#1 Ưu tiên đi trước
Đối với những du khách không muốn xếp hàng và kiên nhẫn chờ để lên máy bay, bạn có thể đóng thêm một khoản tiền để đổi lấy quyền lợi được ưu tiên đi trước. Phí này phụ thuộc vào mỗi hãng bay, tuy nhiên giá thành của nó không rẻ chút nào.
#2 Đặt vé qua điện thoại
Việc mua vé online hay qua điện thoại không còn là điều mới mẻ với nhiều du khách. Tuy nhiên, với một số hãng hàng không, việc mua vé trực tuyến thế này có thể khiến bạn phải trả thêm phụ phí. Tùy từng hãng, số tiền phải trả dao động 10-35 USD. Do đó, bạn hãy cẩn thận hỏi lại về khoản tiền này lúc đặt vé qua điện thoại.
#3 Chọn chỗ ngồi
Đây là gợi ý tuyệt vời cho những nhóm người đi du lịch chung, nhưng lại bị xếp ngồi xa nhau, nhất là vì check-in muộn. Nhiều hãng bay đã dựa trên nhu cầu này để đưa ra lựa chọn cho khách hàng, giúp bạn có thể thoải mái chọn chỗ ngồi mình yêu thích từ trước, miễn là đóng thêm tiền.
Nhưng nếu chỉ đi một mình bạn hãy cân nhắc kỹ xem mình có cần phải đặt trước chỗ ngồi cho tốn thêm phí không nhé. Vì lên máy bay là chắc chắn sẽ có chỗ ngồi, không hãng hàng không nào dám để bạn ngồi dưới sàn đâu.
Đọc kỹ thông tin về các loại phụ phí - Ảnh: Vietjetair
#4 Phí giải trí
Những chuyến bay dài thường khiến bạn mệt mỏi hay buồn chán. Các hãng bay cũng rõ điều này và họ cung cấp khách hàng những đồ giải trí cũng như bữa ăn phụ nhẹ nhàng ngoài bữa chính phục vụ trên máy bay.
Một số hãng hàng không còn đưa ra dịch vụ wifi trên máy bay để bạn lướt web khi đang ở "chín tầng mây". Tuy nhiên đây là dịch vụ đắt đỏ và khiến nhiều du khách "dở khóc dở cười" khi trông thấy hóa đơn.
#5 Đổi vé
Các hãng bay đều có quy chế cho việc đổi vé, do đó khi mua xong, bạn có thể thoải mái dời chuyến bay lên sớm hoặc muộn theo ý mình. Phụ phí này thường dao động từ 50 - 200 USD.
#6 Các phụ phí khác
Với một số hãng bay, bạn sẽ phải trả thêm chi phí nếu để trẻ vị thành niên đi máy bay một mình. Số tiền này được cho là để các tiếp viên hàng không "trông chừng" khách nhí.
Ngoài ra, nếu mang vật nuôi lên máy bay, bạn cũng phải trả thêm một số tiền nhất định.
Muốn trở thành "trùm" săn vé rẻ, phải luyện tập đăng ký vé máy bay
Quy trình đăng ký vé như sau.
Bước 1: Truy cập trang chủ của hãng hàng không mà bạn chọn
Truy cập vào trang chủ của hãng hàng không mà bạn muốn lựa chọn - Ảnh: Airasia
Bước 2: Chọn vé 1 chiều hoặc vé khứ hồi
Bước 3: Chọn địa điểm đi/ địa điểm đến/ thời gian đi (thời gian về)/ mệnh giá và số lượng người
Lựa chọn các thông tin chuyến đi của mình - Ảnh: Airasia
Bước 4: Màn hình hiển thị thông tin thời gian và giá vé. Bạn có thể tùy chỉnh thời gian và loại vé thường hoặc vip.
Bước 5: Điền đầy đủ thông tin liên hệ cần thiết: tên, họ, số điện thoại, email
Để săn được vé rẻ, bạn phải luyện bước điền thông tin thật nhanh và chính xác - Ảnh: Airasia
Hãy chọn "Không, cám ơn" nếu như bạn không có nhu cầu mang theo quá nhiều hành lý để tránh mất tiền oan nhé - Ảnh: Airasia
Lưu ý:
- Nên bỏ phần chọn hành lý, thức ăn, bảo hiểm để tránh các khoản phí phụ thu không cần đến.
- Chọn chỗ ngồi: Màu xám: chỗ ngồi thông thường/ Màu trắng: chỗ ngồi thường/ Màu đỏ: chỗ ngồi đặc biệt
Bước 6: Chọn hình thức thanh toán (chọn Visa hoặc Master)
Kiểm tra xem số tiền có trùng khớp không trước khi đồng ý thanh toán - Ảnh: Airasia
Chỉ cần làm theo các bước trên, với 1 chiếc thẻ thanh toán trực tuyến, bạn đã có thể tự đặt vé cho mình và người thân. Nhưng việc đặt vé trực tiếp trên website của hãng nếu có xảy ra sai sót hoặc muốn thay đổi sẽ rất khó khăn cho khách hàng. Ví dụ nếu điền sai tên, họ thì hành khách phải tự chịu hoàn toàn phí thay đổi, có khi phải hủy vé.
Ngoài ra, khi mua vé trực tuyến sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác như lỗi mạng, lỗi thanh toán, muốn ký gửi thêm hành lý, thêm người… sẽ khó khăn và phức tạp.
ANNA (Tin8, Theo Vnexpress, Cheapbooking)