“Từ lúc đi làm chẳng mấy khi được về nhà, nhà mình khó khăn nên lần nào cũng cố gắng làm tăng ca, làm vào ngày nghỉ để được thêm lương, được bao nhiêu cố gắng gửi về cho bố mẹ. Chiều tối nay bố đột xuất lên chơi, mang ít rau với ít thịt lợn, trứng ở quê lên cho con trai. Biết tin bố lên, đành xin công ty về sớm đón bố.
Ra tới bến xe Giáp Bát thấy bố đang đứng tay giỏ rau thịt, tay hộp trứng đứng chờ con. Hỏi sao bố không ngồi quán nước chờ cho đỡ mỏi chân thì bố bảo “chờ có chút, ngồi nước người ta lại tính tiền, cả ngày đi gặt giờ đứng mấy phút ăn thua gì?”

“Bố…” (Ảnh minh hoạ: Phunutoday)
Đón bố về phòng trọ chưa kịp dọn, chỉ kịp thay bộ quần áo rồi tắm rửa để tối đưa bố đi chơi, đi ăn cho nhanh. Tắm xong ra bố đã dọn phòng cho rồi, phòng gọn gàng sạch sẽ. Tối nay định đưa bố đi chơi phố nhưng trời mưa, hai bố con cũng chỉ tranh thủ đi ăn cơm bụi ngay gần chỗ trọ, bố bảo “Không muốn ăn sang tốn tiền, trời lại mưa nữa”, bố chọn toàn những món rẻ tiền, vừa chọn vừa hỏi giá đắn đo cân nhắc….
Ăn xong, hai bố con về tâm sự chuyện con đi làm, chuyện gia đình rồi chuyện tương lai của con, con học tiếp hay lấy vợ… Bố lo cho tương lai của con vì gia đình không có gì… Bố bảo sáng mai bố về sớm, chứ ở đây con đi làm, bố cũng chẳng biết làm gì thôi về giúp mẹ.
Trước khi ngủ bố có kêu “Hôm nay mang 2 triệu lên mua cho mày bộ quần áo để đi làm cho đẹp nhưng trên xe lúc tao ngủ bị móc mất rồi, mai đưa bố 200 bố về quê, về bố đưa cho.”
……
Giờ bố đã chìm vào giấc ngủ… Còn con trai 24 tuổi đầu vẫn nằm đó rưng rưng nước mắt, 24 tuổi mà vẫn chưa giúp gì được cho gia đình, bố mẹ vẫn phải khổ vì con…. sau từng ấy năm ăn học…”
Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản, không có tình tiết ly kỳ, chỉ là tâm sự của một người trẻ viết về ông bố đã quen chịu khó chịu khổ, luôn xót tiền và thương con nhưng đã khiến biết bao người xúc động. Bởi đó không phải là câu chuyện của riêng ai, mà là nỗi lòng chung của những đứa con xa quê, xa gia đình, ở lại nơi thành phố lớn mưu sinh. Đó cũng là nỗi lòng chung của những ông bố bà mẹ hằng ngày mong nhớ con, lo con ở thành phố không biết sống có tốt không, có vất vả lắm không… Mọi người đều nhìn thấy hình ảnh của mình hiện hữu trong câu chuyện giản dị đó, nhìn thấy bóng dáng cha già lam lũ của mình trong những dòng tâm sự chân thật và xúc động.
Cho dù con có trưởng thành khôn lớn, đã có gia đình hay cả khi nếp nhăn đã lấm tấm trên khuôn mặt, thì đối với cha mẹ, con mãi là đứa trẻ nhỏ bé cần được che chở.
Thương người bố trong câu chuyện, một người đàn ông chất phác thật thà, lúc nào cũng chỉ biết nghĩ cho con, gói ghém từng mớ rau, quả trứng, miếng thịt mang lên tận chốn thành phố xa xôi cho đứa con trai; rồi lại thương đến bố mẹ mình, mỗi lần con về quê đều chuẩn bị nào rau nào cá, dúi vào tay con ít tiền mà bố mẹ chắt chiu tiết kiệm mãi mới được bấy nhiêu. Rồi dặn dò con đủ thứ và rưng rức nhìn theo...