Ảnh minh họa
Bài viết dưới đây góc nhìn của Esther Perel, 60 tuổi, chuyên gia trị liệu tâm lý người Bỉ, trên Theatlantic về chuyện ngoại tình ở những người có hôn nhân êm đẹp, sau nhiều năm bà tư vấn, nghiên cứu về vấn đề này.
Priya có cuộc sống viên mãn bên chồng, Colin, với những đứa con đáng yêu. Chồng cô đẹp trai, thành đạt, yêu vợ và hào phóng với mọi người, bao gồm cả bố mẹ vợ. “Cuộc sống của tôi rất tốt”, Priya kể. Nhưng cô đang ngoại tình – với một người mình chưa từng ngờ tới: Anh chàng lái xe tải, với đầy hình xăm trên người. “Chuyện này khiến tôi xấu hổ khi kể ra và hủy hoại mọi thứ tôi đã vun đắp”, người phụ nữ 40 tuổi nói.
Thực vậy, ngoài bệnh tật và cái chết, rất ít sự kiện trong cuộc sống lứa đôi có sức tàn phá lớn như ngoại tình. Nếu chồng Priya phát hiện vợ có nhân tình, anh hẳn sẽ suy sụp.
Có vẻ lạ là, ngoại tình phản chiếu thái độ của cả nền văn hóa và của mỗi cá nhân với tình yêu, ham muốn và sự cam kết – những điều đã thay đổi rất nhiều trong mấy trăm năm qua. Xưa kia, và hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, hôn nhân là một liên kết có tính thực dụng nhằm đảm bảo sự ổn định về kinh tế và sự gắn bó về xã hội. Nhưng với Priya và Colin, một cặp phương Tây hiện đại, hôn nhân là sự gắn bó tự nguyện giữa hai cá nhân dựa trên tình yêu và sự thấu hiểu chứ không vì quyền lợi hay nghĩa vụ nào.
Chưa bao giờ những mong đợi của chúng ta về hôn nhân nhiều như bây giờ. Chúng ta đòi hỏi bạn đời vừa phải là tri kỷ, mang đến sự ổn định, an toàn, dễ hiểu, đáng tin cậy nhưng cũng người đó phải bí ẩn, đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Chúng ta vừa muốn được yên bình, vừa mong thách thức, vừa thích sự thân quen và ham cái mới lạ. Qua nhiều ca tư vấn, tôi nghe không biết bao người nói: “Tôi yêu vợ/chồng lắm. Chúng tôi là bạn thân và hạnh phúc bên nhau”, nhưng câu tiếp theo lại là “Nhưng tôi đang ngoại tình”.
Ảnh: Reader’s Digest.
Nhiều người trong số đó đã chung thủy suốt nhiều năm, có khi cả vài thập kỷ. Họ dường như là người rất cân bằng, chín chắn, chu đáo và toàn tâm toàn ý với gia đình. Nhưng một ngày, họ rẽ vào lối mình không bao giờ ngờ tới. Vì điều gì?
Nửa say sưa, nửa lo âu, Priya kể cho tôi về cuộc tình của cô: “Chúng tôi chẳng biết đi đâu nên thường trốn trong xe tải của anh ấy hoặc ôtô của tôi, trong rạp chiếu phim hay ghế đá công viên, và bàn tay anh ấy khám phá cơ thể tôi. Tôi cảm thấy như mình đang tuổi teen”. Priya kể số lần cả hai làm “chuyện ấy” chỉ đếm trên đầu ngón tay, nghĩa là, mối quan hệ nghiêng về cảm giác khơi gợi chứ không phải vì sex. “Nó khiến tôi cảm thấy mình đang thực sự sống”, cô thổ lộ.
Khi lắng nghe Priya nói, tôi bắt đầu nghi ngờ rằng việc cô ngoại tình không phải vì chồng hay do mối quan hệ gia đình. Câu chuyện của cô gợi tôi nghĩ tới những điều mình đã trăn trở bấy lâu: Cuộc tình ngoài luồng như một hình thức tự khám phá, một đòi hỏi cho cái tôi mới mẻ. Với những người đi tìm kiếm điều này, ngoại tình không giống như biểu hiện của một vấn đề, mà như sự mở rộng trải nghiệm bao gồm sự lớn lên, khám phá và biến đổi.
Có thể nhiều người sẽ phản đối “Cái gì gọi là tự khám phá? Ngoại tình là ngoại tình, dù bạn có gắn cho nó cái nhãn đẹp đẽ thế nào. Nó là sự tàn nhẫn, ích kỷ, lừa dối và bạo hành”.
Nhưng rõ ràng, đôi khi, người chúng ta tìm kiếm bên ngoài hôn nhân không phải là một tình nhân mà chính là phiên bản khác của mình. Bởi thế, thường điều khiến người ta say mê nhất trong mối quan hệ vụng trộm không phải là người tình trẻ trung, quyến rũ mà là phần mới mẻ ở chính họ.
Hãy nhìn sâu vào các khiếm khuyết trong hôn nhân để hiểu trường hợp của Priya là một ví dụ về cái gọi là “hiệu ứng đèn đường”: Một người đàn ông say rượu tìm chùm chìa khóa bị mất không phải ở nơi anh ta đánh rơi mà ở chỗ đèn sáng. Con người có khuynh hướng tìm kiếm sự thật ở những nơi dễ dàng cho họ nhất thay vì ở vị trí dễ tìm ra nhất.
Tương tự, đổ lỗi cho một cuộc hôn nhân thất bại là cách dễ hơn đối mặt với những câu hỏi hóc búa về sự tồn tại, những khao khát, nỗi chán chường của chính mình. Vấn đề là, không giống như người say – tìm kiếm một cách vô ích chùm chìa khóa ở nơi không đánh rơi, chúng ta có thể luôn tìm được các vấn đề trong một cuộc hôn nhân. Chúng chỉ không phải là chìa khóa đúng để mở ra ý nghĩa thực sự của việc ngoại tình.
Một cuộc “khám xét” hôn nhân của Priya chắc chắn sẽ cho thấy vài vấn đề: Chênh lệch vị trí khi chồng kiếm nhiều tiền hơn, thói quen nén giận và tránh xung đột của cô, sự nhàm chán khi bên nhau nhiều năm… Thực tế là một đôi có “vấn đề” không có nghĩa là các vấn đề đó sẽ dẫn tới việc ngoại tình.
“Tôi nghĩ là vì chính cô, không phải vì cuộc hôn nhân của cô”, tôi nói với Priya. “Vì thế, hãy kể cho tôi nghe về cô”. “Tôi luôn là cô con gái tốt, người vợ tốt, bà mẹ tốt. Biết vâng lời, luôn đạt điểm cao”, Priya kể.
Xuất thân trong một gia đình truyền thống,...