“Tiền bạc không quan trọng, cái chính là tình yêu”
Khi yêu nhau, thật không hay nếu bạn đặt nặng vấn đề vật chất nhưng khi kết hôn, vấn đề tài chính chiếm một nửa hạnh phúc của bạn. Bởi vậy, đừng bao giờ suy nghĩ “một túp lều tranh hai trái tim vàng” vì khi đã trải nghiệm cuộc sống hôn nhân trong sự túng thiếu và phải lo cơm áo gạo tiền thì con người ta dễ bực bội, nổi cáu dẫn đến xích mích gây gổ nhau và câu chuyện khủng hoảng trong hôn nhân sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
“Anh (cô) ấy có đủ khả năng làm cho tôi hạnh phúc”
Đừng tự khẳng định chắc chắn như vậy khi bạn chưa trải nghiệm cuộc sống hôn nhân phía trước. Theo các cặp đôi đã cưới, nếu chồng (vợ) bạn làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc thì đó mới chỉ là 1/4 niềm hạnh phúc. Bản thân bạn cũng phải biết cách làm cho bạn hạnh phúc. Cuối cùng, bạn phải biết làm cho chồng (vợ) bạn hạnh phúc và người kia phải biết tự tạo cho mình niềm hạnh phúc, thế mới trọn vẹn.
“Tính cách trái ngược của chúng tôi sẽ bù trừ lẫn nhau”
Quan điểm này không phải lúc nào cũng đúng. Nếu kết hôn với một người quá giống mình, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán nhưng gắn kết với một người khác biệt với bạn về mọi mặt không hẳn là một ý tưởng tuyệt vời. Vì sở thích, quan niệm sống quá khác nhau chỉ sẽ làm cho cặp đôi lúc nào cũng luôn trách móc nhau và dần xa lánh nhau. Những cặp đôi có xu hướng tránh việc tranh cãi, cả hai sẽ ngại nói chuyện với nhau và dần tạo khoảng cách, còn đối với những cặp đôi luôn muốn thay đổi đối phương, bạn chỉ có thể khiến cuộc hội thoại giữa hai người thêm phần gay gắt.
“Già rồi cưới đi thôi”
Đấy là lời than thở thường thấy ở những chị em phụ nữ ở tuổi lấy chồng nhưng vẫn chưa có “mảnh tình vắt vai”. Họ luôn mang trong mình tâm lý phải quen một người, kết hôn ngay với người đó vì áp lực từ gia đình và từ những người bạn đã lập gia đình. Thật là sai lầm khi bạn mang tư tưởng “chọn đại để cưới” với một người đàn ông bạn sẽ gắn kết cả đời. Đó là một trong những nguyên nhân dễ khiến hôn nhân “chết yểu” vì đến khi lấy nhau, cả hai mới bộc lộ đầy đủ những tính xấu, không hòa hợp được với nhau. Lúc nào, ly hôn là điều dễ nhận thấy nhất.
“Cưới về thuần hóa sau”
Người ấy gia trưởng, hay ghen, nghiện cờ bạc, lô đề. Cô ấy quá nhõng nhẽo, quá cầu toàn, thực dụng và lười biếng. Nhưng cả hai vẫn nhắm mắt để đi đến kết hôn vì nghĩ rằng hôn nhân sẽ khiến họ thay đổi. Nhưng thực tế tình yêu không đủ lớn để có thể sửa đổi tâm tính của một người từ thuở bé. Tốt nhất bạn nên nghĩ cách làm sao để hòa hợp với bạn đời hơn là “thuần hóa” họ.
“Thay vì kiếm một công việc tốt, hãy tìm một người đàn ông giàu có”
Sự tụt dốc trong sự nghiệp khiến cho nhiều phụ nữ cảm thấy yếu lòng. Và lúc này việc tìm một người đàn ông tốt, giàu có, khá giả có thể là mục tiêu của họ để thay thế cho con đường sự nghiệp đầy chông gai phía trước. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ ở tương lai gần. Vì nếu bạn chỉ ở nhà nội trợ, bạn sẽ bị phụ thuộc tài chính vào bạn đời của mình. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ trở thành “gánh nặng” theo suy nghĩ của họ và cuộc hôn nhân cũng trở nên “nghẹt thở” hơn bởi chỉ có một người “xoay như chong chóng” để đảm bảo chi tiêu trong gia đình.
QUỲNH ANH (Tin8)