Liên quan đến vụ án ông Vũ “nhôm” vừa bị khởi tố vì hành vi “Làm lộ bí mật nhà nước” vừa qua ở Đà Nẵng (sau đó Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) đã có công văn yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng khẩn trương có động thái phong tỏa tài sản đối với vợ ông Phan Văn Anh Vũ là bà Nguyễn Thị Thu Hiền và 2 người khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ (cùng sinh 1975, trú Hải Châu – Đà Nẵng), trao đổi với PV Dân Việt, LS Lê Cao – Cty Luật hợp danh FDVN, đoàn LS TP Đà Nẵng) cho hay, theo luật, liên quan đến tội làm lộ bí mật nhà nước được quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự có quy định người phạm tôi có thể bị phạt tù mức cao nhất là 15 năm tù, đồng thời còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
PV Dân Việt đặt câu hỏi: Vì sao khởi tố bị can tội “Làm lộ bí mật nhà nước” lại phải phong tỏa toàn bộ tài sản và những người liên quan, thưa ông?
: Về nguyên tắc, theo Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì sau khi đã khởi tố bị can, mà bị can phạm vào tội mà bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền, hoặc bồi thường thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản, không cần đợi khi Tòa kết án mới được kê biên, phong tỏa tài sản.
Bên trong khu đất 16 Bạch Đằng, nơi được cho là dự án của công ty ông Vũ “nhôm”
Tuy nhiên, việc kê biên này chỉ được kê biên tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Trường hợp kê biên tài sản của người liên quan đến bị can thì phải có cơ sở chứng minh các tài sản đó liên quan đến vụ án và thuộc trường hợp phải kê biên. Đối với tội làm lộ bí mật nhà nước thì không thuộc trường hợp phải tịch thu tài sản, chỉ có trường hợp có thể bị phạt tiền như đã nêu, hoặc trường hợp ngoại lệ có bên liên quan đến vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại thì mới cần thiết kê biên tài sản của bị can hoặc những người liên quan để đảm bảo cho việc bồi thường.
Nhưng trong trường hợp này, bị can và người liên quan lại bị phong tỏa hầu hết tài sản là BĐS với số lượng lớn?
Đối với một số vụ án, chẳng hạn nếu chiếu theo điều luật có thể họ chỉ bị phạt một trăm triệu đồng nhưng tại sao cơ quan điều tra lại kê biên nhiều tài sản khác nhau vượt con số này thì cần xem xét lại xem là bị can có bị khởi tố tội danh nào khác không, hoặc các tài sản đó của bị can có liên quan đến vụ án khác của người khác hay không. Nếu không, không thể có chuyện kê biên tài sản tràn lan của bị can không tương ứng với giá trị tài sản cần phải tịch thu, thu tiền phạt hoặc bồi thường thiệt hại theo luật định.
Dự án KĐT Đa Phước, nơi ông Vũ “nhôm” được cho là đã thoái vốn
Có nhiều vụ việc hình sự ở Việt Nam, thường người ta làm công tác tiền tố tụng trước. Ví dụ như vụ án ông Đinh La Thăng, dường như mọi hồ sơ tài liệu, các vấn đề liên quan đã được thu thập từ trước khi khởi tố vụ án rất lâu rồi, một thời gian dài rồi, sau đó thì mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và do đó mới có chuyện từ khởi tố đến kết luận điều tra, truy tố và đưa ra xét xử trong thời gian rất ngắn.
Đây có thể hiểu là câu chuyện nghiệp vụ điều tra đặc thù, có thể có việc mời người mà tương lai sẽ là bị can làm việc trước đó cả năm trời, sau đó mới bị khởi tố bị can. Cho nên, câu chuyện điều tra sau khởi tố có thể là nghiệp vụ hợp thức xác nhận lại các nội dung đã điều tra tiền tố tụng trước đây. Về nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thì chỉ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì người bị khởi tố mới chịu các hệ quả về điều tra theo luật định, tuy nhiên ở ta nhiều người đã được mời làm việc trước đó.
Chúng tôi không loại trừ khả năng đối với vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” liên quan...