Hàng trăm sản phụ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lo lắng vì mất nước - Ảnh: Kenh14
Vỡ đường ống nước sông Đà
Sự cố vỡ ống nước sông Đà bắt đầu từ ngày 29-9. Sau khi dùng hết nguồn nước dự trữ tới 400m3, bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải mua thêm 2 xe nước nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu cho tất cả mọi người tại đây.
Tình trạng thiếu nước ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều sản phụ phải “nín đẻ” hoặc khẩn cấp chuyển lên tuyến trên. Lãnh đạo bệnh viện đã phải “cầu cứu” sở Y tế.
TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng khiến bệnh viện phải dừng tất cả các ca mổ chủ động và chỉ ưu tiên ca mổ cấp cứu. Tuy nhiên nhiều ca cấp cứu có nguy cơ nhiễm trùng cao vì thiếu nước.
Khi vừa gặp sự cố, ngay trong đêm 29-9 bệnh viện đã huy động hỗ trợ 5 xe téc nước từ Xí nghiệp nước sạch Đống Đa và lắm thêm máy bơm hút tăng áp vào bệnh viện.
Không còn nước dự trữ, Bệnh viện Phụ sản phải dừng tất cả các ca mổ chủ động, chỉ ưu tiên vào mổ cấp cứu - Ảnh: Dân Việt
Đến sáng ngày 30-9, tình trạng thiếu nước sạch tại bệnh viện được cải thiện hơn. Thế nhưng một số khu điều trị vẫn thiếu nước. Tình hình làm các sản phụ và người nhà tỏ ra vô cùng hoang mang.
Vợ nín đẻ, chồng 3 ngày không tắm
Anh Nguyễn Văn Thạo (chồng sản phụ Hoa, Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ, chăm sóc vợ đẻ trong những ngày bệnh viện mất nước khiến anh rất lo lắng. Vợ anh mổ đẻ chủ động nên phải hoãn lại trong 3 ngày nay. Trong 3 ngày đó anh cũng không được tắm vì mất nước.
Anh Thao cho biết thêm, đỉnh điểm vào tối qua nhiều gia đình chờ tại bệnh viện phải đi mua nước lọc để đánh răng rửa mặt đỡ. Tuy nhiên việc tắm giặt vẫn ngưng hết vì nước lọc không đáp ứng được.
Mất nước khiến nhiều người nhà và bệnh nhân phải mua nước sạch để sinh hoạt - Ảnh: Kenh14
Mất nước khiến nhiều người không dám tắm, giặt - Ảnh: Kenh14
Bà Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính của bệnh viện cho biết, đường ống đấu từ nhà máy nước dự trữ về bệnh viện đã bắt đầu hoạt động trở lại, hiện họ đã tích được 1/3 bể nước, nhưng sẽ để dành ưu tiên cho những ca cấp cứu, nhiễm khuẩn, mổ đẻ trước. Còn các trường hợp khác tạm thời vẫn bị cắt hoặc cấp nước luân phiên để tiết kiệm. Thậm chí các nhân viên bệnh viện cũng không được dùng nước cho nhu cầu cá nhân mà chỉ được dùng cho việc thực sự cần thiết.
Đâu đâu cũng thấy người nhà bệnh nhân xách theo chai nước - Ảnh: Kenh14
Theo bà Nguyệt, mỗi lần vỡ đường ống nước sông Đà, bệnh viện đều mất nước. Tuy nhiên do có bể dự trữ nên thiếu 1-2 ngày không sao, nhưng từ ngày thứ 3 trở đi thì tình hình rất nghiêm trọng. Những lần trước, chưa khi nào mất nước quá 3 ngày.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực sản khoa với trên 1.000 cán bộ. Mỗi ngày bệnh viện có hơn 1.000 lượt người đến khám chữa bệnh, xét nghiệm siêu âm, 600 bệnh nhân và gần 400 bé sơ sinh ra đời, thêm cả người nhà đi theo phục vụ thì số lượng lên tới hàng nghìn người. Lượng nước đủ để phục toàn bệnh viện lên tới 300-400 khối mỗi ngày.
KHÁNH VÂN (Tin8)