Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề chủ quyền Biển Đông ngay sau khi PCA đưa ra phán quyết cuối cùng
Việt Nam hoan nghênh phán quyết của PCA
Ngay sau khi phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài được công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết”.
Trên tinh thần giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường hòa bình, các lãnh đạo Việt Nam luôn kiên định con đường đấu tranh thông qua các cuộc đàm phán song phương, đa phương cũng như cần đến sự can thiệp của các cơ quan tài phán trên thế giới.
“Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về yêu sách "đường lưỡi bò" đã có tầm ảnh hưởng lớn đến những nước có tranh chấp về chủ quyền Biển Đông
Cũng trong tuyên bố của bộ Ngoại giao Việt Nam có nêu rõ: "Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Việt Nam được thuận lợi gì từ phán quyết?
Như chúng ta đều biết, “đường lưỡi bò” là vị trí bao bọc xung quanh Biển Đông, và đương nhiên Việt Nam cũng có cả vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa ở đây. Vì vậy, với thắng lợi của Philippines về việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc đây là một thắng lợi chung của Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trực, Nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ (là người đầu tiên ở Châu Á dịch Công ước Luật Biển 1982 của liên Hiệp Quốc) cho hay: “Nếu xét về vị trí địa lý và nếu xét về quá trình xác lập và thực thi các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông thì tôi nghĩ rằng Việt Nam là một trong những nước có quyền và lợi ích cao nhất so với các nước trong khu vực. Cho nên phán quyết mà bảo vệ được công lý, bảo vệ được Công ước có hiệu quả, hiệu lực thì rõ ràng đây là một vụ việc hết sức quan trọng mà chúng ta cần phải khai thác và nắm được chắc nó, để tiếp tục đấu tranh, để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Các chuyên gia cùng trao đổi trong một buổi Tọa đàm có liên quan đến vấn đề Phán quyết của PCA
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, sau phán quyết lần này của Tòa Trọng tài Thường trực, Việt Nam có rất nhiều thuận lơi. Việt Nam cũng sẽ có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ phía Philippines, tạo đủ cơ sở pháp lý trong quá trình lập hồ sơ tố tụng đối với Trung Quốc.
Thông qua việc đưa ra được kết luận tích cực về việc hạn chế vùng biển của các cấu trúc “đường lưỡi bò” chỉ còn 12 hải lý thì cũng có nghĩa là về phía Việt Nam cũng sẽ hạn chế được các vùng biển mà trước đây Trung Quốc vẫn viện cớ cho đó là vùng có tranh chấp.
“Trong vụ việc này, nhiều thực thể mà Philippines đề cập đến thuộc chủ quyền của Việt Nam nên theo tôi phán quyết của toà không có ý nghĩa xác định chủ quyền của Philippines đối với các thực thể này, mà chỉ có ý nghĩa xác nhận chế độ pháp lý của những thực thể này theo Công ước Luật Biển 1982. Philippines không thể dựa vào phán quyết này để khẳng định chủ quyền của mình đối với các thực thể này, trong khi Việt Nam có đầy đủ căn cứ lịch sử, pháp lý về chủ quyền đối với các thực thể này, đặc biệt là việc khẳng định có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho biết thêm.
Với phán quyết lần này của PCA, nó có một tác dụng hoàn toàn tích cực đối với việc bảo vệ công lý rõ ràng về vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Đây được đánh giá như là một tiền lệ, một bài học có giá trị lớn để lãnh đạo Việt nghiên cứu cũng như nghiêm túc sử dụng những căn cứ lịch sử hay cơ sở pháp lý này cho cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.
Yêu sách "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra đã bị Tòa Trọng tài PCA bác bỏ hoàn toàn. Phán quyết này tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trung Quốc trên Biển Đông, mà cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng- nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Tổng biên tập tuần báo Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết suy nghĩ của mình về những kinh nghiệm Việt Nam rút ra được qua vụ thắng kiện của Philipines lần này: “Tôi nghĩ trước khi có phán quyết này thì Việt Nam từ lãnh đạo cho tới các cấp chuyên gia đã nhiều lần nói rằng sẽ sử dụng công cụ pháp lý và nó vẫn nằm trong biện pháp hòa bình mà Việt Nam không loại trừ biện pháp này, đấy là trước đây. Còn bây giờ, đối với kết quả thắng lợi này của Philippines có thể nói rằng nó có một phần hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề bác bỏ tính pháp lý của đường 9 đoạn. Không riêng gì Việt Nam mà tất cả các nước có đòi hỏi chủ quyền đều thấy đây là nhân tố mới, thuận lợi cho cuộc đấu tranh về mặt pháp lý”.
Không chỉ dừng lại ở mặt tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc khẳng định chủ quyền Biển Đông mà thông qua kết quả lần này sẽ tạo ra một tiền lệ tốt để buộc phía Trung Quốc phải kiềm chế hơn trong hành động ngạo mạn của mình. Để sau này sẽ không còn ngang nhiên thực hiện các hành động “trái với Luật Biển 1982” như đã từng làm đối với Việt Nam trong thời gian vừa qua như: xây dựng đảo nhân tạo, cố tình đâm thuyền của ngư dân Việt Nam… làm trầm trọng hóa cũng như “leo thang căng thẳng” đối với hai bên trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Với thắng lợi mà Philippines giành được trong vụ kiện sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng đã khẳng định một chân lý rằng: “Với những nước ngang ngược, bất chấp mọi phán quyết của quốc tế thì chúng ta không thể dùng vũ lực cưỡng chế được, nhưng với sức mạnh quốc tế sẽ khiến họ phải tuân thủ luật chơi”.
DZUNG LÊ (Tin8, ảnh: Internet)