VTV1 phỏng vấn Nhật Anh và ủng hộ việc chế nhạc của chàng trai - Nguồn: YouTube
Nhạc chế chỉ để gây cười?
Thật ra, nhạc chế mang tính chất vui là chính: hài hước, chỉ trích, trào phúng, hướng dẫn hay tôn vinh ai đó cũng là giải trí nhất định chứ không phải là nghệ thuật. Các diễn viên hài cũng thường xuyên sử dụng nhạc chế như một công cụ để gây cười. Họ không sáng tác ra nhạc chế để đóng góp vào kho tàng nhạc chế như một nghệ thuật.
"Lụt từ ngã tư đường phố", được giáo sư Xoay chế từ ca khúc "Từ một ngã tư đường phố" của nhạc sĩ Phạm Tuyên và sử dụng trong chương trình Táo Quân 2009 - Nguồn: YouTube
Tác giả ngán ngẩm hay vui mừng khi ca khúc của mình bị chế?
Vào giai đoạn năm 1975 khi chưa có Luật sở hữu trí tuệ, một số nhạc sĩ khi in những sáng tác tân nhạc của mình để công bố đã thêm dòng chữ: “Yêu cầu không sáng tác tân cổ giao duyên”. Thật ra, yêu cầu này không phải vì họ muốn có cớ đòi tiền bản quyền khi người khác sử dụng, mà họ không muốn tác phẩm của mình bị méo mó khi kết hợp với phần lời ca cổ chẳng ăn nhập gì.
Hiện nay, những bản nhạc chế xuất hiện nhan nhản ngày càng nhiều trên mạng xã hội hay thậm chí là sóng truyền hình. Có tác giả thấy vui và ủng hộ, có tác giả ngán ngẩm, buồn phiền vì tác phẩm của mình bị chế và mất đi vẻ đẹp vốn có, nhưng lại ngại khi phải đưa kiện khiến cho vấn đề bản quyền chưa được đánh giá cao.
Tác giả Nguyễn Hồng Thuận gây sốt khi chế chính ca khúc của mình để theo trào lưu giá xăng tăng - Nguồn: YouTube
Thật ra, tác giả sẽ không trách móc và lên án nếu nhờ ca khúc của mình mà các bạn trẻ được thỏa sức sáng tạo và thể hiện bản thân. Nhưng họ sẽ rất buồn nếu tác phẩm của mình lại bị chế theo kiểu bậy bạ hay chửi bới quá đáng một cá nhân nào đó. Thậm chí, họ có thể kiện khi cảm thấy tác phẩm của mình bị xúc phạm bằng lời lẽ thô tục.
Ủng hộ nhạc chế khác nào đang ủng hộ vi phạm bản quyền!
Trong khoản 4, điều 19 của bộ luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ: Các tác phẩm được bảo vệ toàn vẹn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Như vậy nếu ai đó chế nhạc từ các tác phẩm khác nghĩa là họ đang vi phạm bản quyền. Tuy nhiên vấn đề bản quyền ở Việt Nam đang quá lỏng lẻo, ho mới chỉ làm được công việc thu tiền tác quyền chứ chưa tham gia bảo vệ quyền tác giả, nhất là quyền nhân thân của tác phẩm.
Nhạc chế không hoàn toàn xấu nhưng không nên được cổ xúy vì nó khiến người dân, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu sai về vi phạm bản quyền. Hãy tôn trọng tác giả, tôn trọng người đã bỏ công sức để sáng tác ra những tác phẩm, đứa con tinh thần của họ.
CHIPVA (Tin8)