Sáng nay 6/11, tại phiên khai mạc Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2017) ở Hà Nội, đã hân hạnh tiếp đón Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự và phát biểu cùng với sự có mặt của tỷ phú người Trung Quốc, Jack Ma.
Diễn đàn được tổ chức gồm 3 phiên với nội dung: Xu hướng của Việt Nam và sự bùng nổ của thanh toán di động trên thế giới; Giải pháp để phát triển môi trường và điều kiện cho sự phát triển của thanh toán di động tại Việt Nam; Và phiên nội dung đặc biệt nhất với sự xuất hiện và đối thoại của tỷ phú Jack Ma – người sáng lập Alibaba. Theo đó, nội dung cuộc đối thoại chủ yếu xoay quanh kinh nghiệm phát triển thương mại điện tử (TMĐT), thanh toán điện tử (TTĐT) trên thiết bị di động ở Trung Quốc thông qua ứng dụng Alipay và câu chuyện toàn cầu hóa của Alibaba.
Ông chủ Alibaba - Jack Ma
Phiên đối thoại được mở đầu bằng những chia sẻ của tỷ phú Jack Ma về những bài học và trải nghiệm của bản thân ông trong công cuộc cách mạng thanh toán do chính ông gây dựng.
Jack Ma cho biết vào thời điểm mới thành lập Alibaba, ông không hề có nguồn lực dồi dào hay những mối quan hệ với các nhân vật máu mặt trong ngân hàng hay Chính phủ. “Lúc đó, tôi nói với các cộng sự rằng chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ đi. Nếu ta nghĩ ta không làm được thì 10 năm nữa cũng không cạnh tranh được với ai đâu. Chúng tôi bắt đầu với tinh thần như vậy nên đã chiến thắng”- Ông chủ Alibaba chia sẻ.
Theo tỷ phú:”Doanh nghiệp sau 20 năm nữa trông sẽ như thế nào nhỉ? Nền kinh tế toàn cầu chưa hỗ trợ đầy đủ cho giới trẻ, cho doanh nghiệp nhỏ. Thế kỷ qua, chỉ có 20% của nước lớn thành công thôi, còn 80% doanh nghiệp nhỏ thì không thành công. Chúng ta phải chuyển sang tỉ lệ 80%-20%”. Ông một lần nữa khẳng định:” Phải giúp cho 80% người trẻ trung hơn, doanh nghiệp nhỏ hơn, nước đang phát triển".
Ông đặt câu hỏi cho giới trẻ Việt Nam rằng: Phải làm gì để cải thiện, hỗ trợ cho 80% số doanh nghiệp này?
Theo Jack Ma, ông cho rằng, câu trả lời cho câu hỏi trên chính là TTĐT. "Ở Hà Nội, 2 ngày qua tôi quan sát thấy có nhiều người trẻ, thanh niên, họ có trong tay nhiều tiền hơn tôi ngày xưa. Chúng ta có 54% dân số sử dụng điện thoại di động nhưng cứ dùng cả di dộng và tiền mặt là ko tốt" – ông chỉ ra.
"Nếu ta nghĩ ta không làm được thì 10 năm nữa cũng không cạnh tranh được với ai đâu" - Jack Ma chia sẻ
Theo ông, để vấn đề này được giải quyết một cách thỏa đáng, thì nhất định phải có sự bao trùm phổ cập về tài chính. Nhờ vậy, những giao dịch liên quan đến tiền bạc sẽ minh bạch hơn và hạn chế nạn tham nhũng hiện nay. Thời điểm hiện tại có 600 triệu người Trung Quốc sử dụng TTDĐ. Cách đây 14 năm, mọi người đã cố gắng nói với Jack Ma rằng, người Trung Quốc về bản chất thích nhìn ngắm sản phẩm hàng hóa trước khi mua hơn là trả tiền sản phẩm thông qua TTĐT khi ông đang có ý tưởng về Alipay. Tuy nhiên, trái lại với những lời nhận định đó, "Chúng tôi nói cứ làm đi, tới liền đi! Nếu chúng ta làm Alipay mà thất bại, nếu có ai đó đi tù vì làm chuyện này thì tôi sẽ đi đầu tiên, các đồng sự tôi sẽ tiếp bước tôi" – ông chủ Alibaba hào hứng chia sẻ về ý tưởng Alipay.
Ông Jack Ma không quên truyền cảm hứng cho mọi người: “Chúng ta muốn giải quyết vấn đề cho giới trẻ, cho doanh nghiệp nhỏ thì luôn có con đường, cách thức. Muốn làm là làm được. Nếu không muốn làm thì kiểu gì cũng nghĩ ra cả triệu lý do để không làm”.
Không những vậy, “Có ý tưởng tuyệt vời thì tiền mới phát huy tác dụng. Khi có ý tưởng tốt, đồng đội tốt thì mới có tiền” – Ông nói thêm.
Nhà sáng lập Alibaba cũng chia sẻ thêm về lý do Alibaba đến Việt Nam thông qua câu chuyện của Ebay trước đây. Ông kể rằng, trước đây, chính công ty đã gặp phải một đối thủ cạnh tranh khá mạnh. Đó chính là Ebay. Ông cho biết lý do chính trang khiến trang web đấu giá khổng lồ của Mỹ không thành công tại Trung Quốc chính là không tận dụng những đối tác, nhà cung cấp bản địa. Jack Ma nói thêm: “Nhiều người ghét toàn cầu hoá vì nhiều nước đến các quốc gia đầu tư chỉ vì khai thác nhân công, nguồn lực rẻ”.
Theo đó, Jack Ma khẳng định Alibaba đến Việt Nam không phải để làm ăn hay tranh giành thị trường bản địa với các doanh nghiệp nhỏ mà để giúp họ phát triển và vươn ra bên ngoài. “Những gì chúng tôi đem lại cho Việt Nam là thuộc về Việt Nam. Dù người ta có muốn hay không thì đó là chiến lược của chúng tôi, là tầm nhìn của chúng tôi. Tạo điều kiện nâng đỡ, giúp đỡ cho các bạn, thì chúng tôi cũng có thể có lợi ích từ đó” – Ông chia sẻ.
Jack Ma đến với Việt Nam:" Tôi yêu nguồn năng lượng ở đây"
Đến với Việt Nam, Jack Ma đánh giá đây là vùng đất đầy tiềm năng và rất nhiều cơ hội. Nếu quay lại khoảng thời gian cách đây 10 năm, ông nghĩ rằng công ty chưa sẵn sàng cho thị trường này. Tuy nhiên, giờ đây “đêm đầu tiên xuống phố chỉ trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ, tôi yêu nguồn năng lượng ở đây, nhiệt huyết ở đây, nhiều bạn trẻ sử dụng thiết bị di động, không chỉ là chơi trò chơi trực tuyến đâu…."- ông bày tỏ.
Cuối buổi chiều nay, vị tỷ phú Trung Quốc sẽ có buổi nói chuyện với các bạn sinh viên tại Hà Nội với mục đích khơi gợi tinh thần, hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam.
VÂN QUỲNH