Chợ Cầu Muối là nơi đã từng chứng kiến nhiều vụ đâm ngang chém dọc của Mạnh - Ảnh minh họa: Internet
Sau khi lời tuyên bố “cuộc đời thằng Mạnh từ nay chính thức xóa sổ” ở chợ Cầu Muối, hẳn nhiên không ai còn nhìn thấy bóng dáng của ông trùm giang hồ đâu nữa. Cho đến một ngày của năm 1975, Mạnh gặp lại người quen trên chuyến xe đò về miền Tây. Lúc này, Mạnh đang làm bốc vác cho môt hãng xe ở Vĩnh Long. Người quen của Mạnh đã từng có những lần trắng đêm tâm sự với anh ta về Cẩm Nhung. Bởi thế nên khi vừa mới nhận ra, anh ta đã ôm chầm lấy người ấy và hỏi ngay “Lâu nay anh có gặp Cẩm Nhung không?”.
Nhung là một trong những nguyên nhân khiến Mạnh quyết định về miền Tây để tìm kế mưu sinh. Dường như số phận vẫn còn muốn trêu đùa Mạnh. Khi hắn về đây thì Nhung đã không còn ngồi ăn xin ở bến phà Mỹ Thuận nữa. Thế là Mạnh phải hỏi thăm khắp nơi nhưng cũng không ai biết được thông tin gì. Cuộc hội ngộ giữa gã giang hồ và ả mỹ nhân thất thời vẫn phải trông chờ vào chữ duyên.
Như gặp lại người tri kỷ, Mạnh dốc hết nỗi lòng mình với người quen về những tháng ngày phiêu bạt. Anh kể, sau giải phóng anh bị chính quyền cách ly vài năm vì tội vượt biên trái phép. Thực tế là anh ấy chỉ làm việc cho một tay chuyên làm đầu nậu, tổ chức vượt biên nên khi bị bắt, anh không bị ngồi tù mà chỉ bị phạt theo kiểu cách ly.
Trước khi nói lời tạm biệt người quen, Mạnh còn kể một câu chuyện mà bấy lâu nay nó vẫn còn là bí mật.
Mạnh từng làm việc cho một đầu nậu chuyên tổ chức những vụ vượt biên trái phép - Ảnh minh họa: Internet
Trong những ngày làm việc cho chủ đầu nậu kia, Mạnh vô tình biết được tay đầu sỏ trong đường dây này chính là trung tá Thức. Điểm hẹn của người dẫn mối và những người muốn rời bỏ chế độ Sài Gòn bấy giờ là tiệm bi da T.L nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
Hình ảnh của vũ nữ Cẩm Nhung năm xưa và những nỗi dày vò suốt từng ấy năm của Mạnh trỗi dậy khiến anh muốn giết chết tên bội tình bạc nghĩa này ngay lập tức. Nhưng suy đi nghĩ lại, thế mình đang “mỏng” nên nếu “manh động”, tên Thức ấy chẳng những không bị gì mà ngược lại, có thể mình sẽ khốn đốn. Thấy thế, Mạnh âm thầm nghĩ cách trả thù cho Nhung.
Thay vì đưa “khách hàng” của ông ta ra địa điểm tập kết để vượt biên an toàn thì Mạnh đưa họ vào tròng. Chuyến đi định mệnh hơn 70 người bị chính quyền bắt giữ. Họ khai ra Thức đầu nậu và hắn bị bắt giam vì tội chống phá chế độ. Từ đó, Thức quay trở về cuộc sống dân đen, không thể ngoi đầu lên được nữa.
Mạnh cũng bỏ việc để về Vĩnh Long, cất công tìm kiếm Cẩm Nhung chỉ để cô ấy nghe được lời xin lỗi chân tình của mình. Cũng đã có lúc Mạnh muốn Nhung chấp nhận lời cầu xin gã nghĩa làm bạn đời với cô ấy nhưng kết thúc có hậu ấy vẫn chưa thành…
Chuyến đi định mệnh của 70 người bị Mạnh âm thầm cho vào Tròng. Cuộc đời xa hoa của trung tá Thức cũng chấm dứt từ đó - Ảnh minh họa: Internet
Nói về sự mất tích khó hiểu của Cẩm Nhung trên bến phà Mỹ Thuận, một số người thường đi lại trên phà cho biết trước đó, có một nhóm người lạ mặt bất ngờ lao vào hành hung rồi xé nát tấm ảnh cô ấy đang đeo trên ngực. Chưa kể, Nhung còn bị nhóm người này sỉ vả thậm tệ.
Dường như ông trời vẫn bất công với người phụ nữ bạc phận này. Trong khi cô đã thân tàn ma dại, kẻ hại cô là bà Năm Ra đô (nhân vật đã được Tin8 nhắc đến trong những bài trước) đang ăn sung mặc sướng thì giờ đây, cô đang còn phải đối mặt với những thủ đoạn bẩn thỉu nhằm xóa hết mọi dấu vết của vũ nữ Cẩm Nhung của bọn người nhà Năm Ra đô.
Sau lần bị hành hung, Nhung vẫn ngồi ăn xin trên bến phà nhưng cô không đeo tấm ảnh nữa. Thỉnh thoảng, người đi phà lặng người trước âm thanh như vừa hát vừa khóc của người đàn bà này. Rồi một thời gian, chỗ cô hay ngồi không còn hơi ấm của cô nữa. Nhiều người đoán rằng cô đã mắc bệnh và chết ở một nơi nào đó. Những người khác lại cho rằng cô quyên sinh để thoát khỏi kiếp nghèo thê lương mình đang gánh chịu.
Còn bản thân tác giả thì nghĩ rằng, một khi cô đã can đảm chấp nhận sống đến ngày hôm nay thì cô sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Dù khổ đau cùng cực nhưng Nhung phải sống để xã hội biết được bộ mặt thật của những kẻ tội đồ đang nhởn nhơ ngoài kia…
KHÁNH HÒA (Tin8, Bài viết tham khảo tư liệu của nhà văn H.T.Đ)