Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Tết trồng cây” với lời dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Hình ảnh bác Hồ trồng cây. Ảnh tư liệu
Nhiều năm qua, “Tết trồng cây” đã được duy trì.
Song đáng buồn, những năm gần đây, việc trồng cây gây rừng đã bị biến tướng thành việc hình thức, theo kiểu “diễn” theo phong trào, gây phản cảm, thậm chí, bức xúc.
Thay vì trồng cây non để cây phát triển dần, thì nhiều nơi, lãnh đạo lại trồng cây rất to, thậm chí cả cây cổ thụ, đi ngược lại mục đích của “Tết trồng cây” vì hành động này là đã phá rừng, phá vườn ở nơi khác để mang cây về.
Không chỉ “ngang tai trái mắt”, việc mua cây, đào rễ, vận chuyển những cây đại thụ từ nơi khác về trồng chắc chắn rất tốn kém, chưa kể việc chăm sóc để cây to bén rễ tại nơi trồng mới sẽ khó khăn hơn nhiều cây nhỏ.
PGS.TS. Mạc Văn Trang kể chuyện dòng họ Mạc được hiến cây đa cổ thụ để trồng, mà riêng tiền thuê thợ đánh cây, chuyên chở, bảo đảm trồng cây sống, đã hết 30 triệu đồng.
Vậy thì hàng loạt cây to, cây đại thụ mà các nơi bố trí cho lãnh đạo trồng, tổng kinh phí sẽ là bao nhiêu?
Đặc biệt, hình ảnh các cán bộ mặc complet là thẳng cứng, đeo cà vạt, đầu tóc bóng mượt, đi giày da sáng bóng đứng quanh những gốc cây to, có khi cả vòng tay ôm không xuể, rồi cầm những chiếc xẻng nho nhỏ, cán quấn vải xanh đỏ và những cái ô doa bé tí xíu để tưới vào cây đại thụ, trông đối nghịch đến hài hước.
Có nơi, người ta còn trải những tấm nhựa rất lớn xung quanh gốc cây, vì sợ bẩn chân cán bộ trồng cây – điều mà tôi tin 100% người dân lao động sẽ thấy phản cảm.
Việc trồng cây mang tính phô trương, không thực chất như vậy chỉ phản tuyên truyền cho “Tết trồng cây”. Vì người ta thấy rất rõ sự giả dối, trình diễn và không hiệu quả. Có một sự thật dễ nhận thấy, lợi ích của việc trồng cây đại thụ ở đâu thì chưa thấy, còn việc quá tốn kém thì lại nhãn tiền.
Chẳng ai đi trồng cây, một công việc lao động không nhẹ nhàng gì lại mặc đồ như đi tiếp khách vì sẽ sợ lấm, sợ bẩn thì làm sao có thể cuốc, đất tưới cây đúng nghĩa?
Vậy mà năm này sang năm khác, “Tết trồng cây” kiểu vậy vẫn cứ lặp lại đầy bi hài.
Buồn cười hơn cả là có nơi còn gắn biển ghi tên một đồng chí lãnh đạo trồng một cây cổ thụ hơn 100 tuổi – điều mà ai cũng biết là không thể, khi mà tuổi cây lớn hơn nhiều tuổi đồng chí nọ!
“Tết trồng cây” là sáng kiến của Hồ Chủ tịch, dĩ nhiên là chỉ trồng cây non.
Tôi đã tra google cụm từ “Hồ Chủ tịch trồng cây” để tìm những bức ảnh, clip về việc Người trồng cây, thì đều cho thấy, Hồ Chí Minh chỉ trồng cây nhỏ chứ tuyệt không có việc Người trồng cây đại thụ.
Dĩ nhiên, cũng không có tấm hình nào cho thấy Người trồng cây trong trang phục tiếp khách mà chỉ mặc đồ giản dị của người lao động.
Người dân thật khó chấp nhận việc lãnh đạo chỉ xúc mấy xẻng đất, tưới tí nước vào gốc cây đã trưởng thành để “diễn” trước máy ghi hình chụp ảnh, là được coi là trồng thành công một cây để rồi được gắn biển ghi công!
Rõ ràng, Tết trồng...