Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nằm tách biệt trên địa bàn xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. HCM được đánh giá có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam, hoạt động từ năm 2007 do Công ty TNHH Xử lý CTR Việt Nam làm chủ đầu tư.
Núi rác hôi thối ấy tra tấn người dân các khu vực này suốt mấy năm qua, song thời điểm gần đây lượng rác đổ về ngày càng nhiều, bốc mùi hôi thối không thể tả. Mùi hôi thối xuất hiện có chu kỳ: sáng bắt đầu từ 5 giờ kéo dài đến 8 giờ, chiều sau 5 giờ 30 kéo dài quá nửa đêm, đây chính là thời điểm nặng mùi nhất trong ngày.
Các xe chở rác từ trung tâm thành phố về đây theo tuyến đường chính Nguyễn Văn Linh trên quốc lộ 50 qua xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Theo công nghệ của khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, rác khi thu về sẽ được xử lý bằng công nghệ POSI - SHELL, sử dụng chất phụ gia keo được trộn chung với xi măng và bột vôi (nhập khẩu từ nước ngoài) rồi phun lên bề mặt của rác.
Lớp phủ được rải và nén chặt có tác dụng giảm bớt tối đa mùi hôi, ngăn nước rỉ rác thẩm thấu vào tầng nước mặt, diệt côn trùng và phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra trong bãi chôn lấp. Sau đó, bề mặt trên cùng sẽ được phủ bạt HDPE nhằm ngăn chặn triệt để mùi hôi và tiêu diệt côn trùng. Ngoài ra, mùi phát sinh từ rác còn được khống chế bằng máy phun sương khử mùi được xịt hàng ngày.
Khu xử lý này có bãi chôn lấp với diện tích hơn 30ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3. Công suất thiết kế 10.000 tấn rác/ngày đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện, khu này tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác/ ngày.
Sau gần 10 năm hoạt động, Đa Phước xử lý hơn 8 triệu tấn rác. Đến nay, khu xử lý rác ngày càng chất cao như núi và được trùm kín bạt.
Đây là khu xử lý rác với những khoang bùn đỏ.
Đầu năm 2016, UBND TP. HCM đã có quyết định ngưng tiếp nhận rác ở bãi rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để chuyển rác từ bãi này về Đa Phước. Do đó, lượng rác cực lớn đang đổ dồn về đây khiến nơi đây dần “quá tải”.
HIỂU LINH (Tin8, Ảnh: Zing)