Tình trạng “tín dụng đen” diễn ra ở nhiều địa phương, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu cơ quan công an phối hợp các địa phương tiến hành rà soát trên toàn tỉnh và thực hiện tuyên truyền cho người dân. Đồng thời, xử lý các trường hợp vi phạm cho vay lãi suất cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy từ cấp xã đến tỉnh đều kêu khó vì thiếu cơ sở xử lý.

Nhiều hộ dân ở Gia Lai hy vọng có sự trợ giúp của chính quyền để thoát cảnh nợ nần, làm thuê… của việc vay “tín dụng đen”. Ảnh: L.K
Ông Nay Hem – Chủ tịch UBND xã Chư Đrăng (huyện Krông Pa) cho biết: “Xã nhiều lần tổ chức các đợt họp dân, tuyên truyền nhưng do người dân gặp khó khăn nên vẫn đi vay mượn. Hiện, nhiều hộ trong số đó vẫn còn vay nợ ngân hàng chưa trả được nên việc xin vay thêm cũng rất khó khăn”.
Ông Hoàng Văn Tư – Chánh văn phòng UBND huyện Ia Pa cho biết, huyện đã giao cho Công an huyện điều tra nhưng việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Do các hộ vay chủ yếu bằng miệng, không có giấy tờ, lãi suất vay cũng nói miệng nên khó có cơ sở xử lý.
Báo cáo mới nhất của Công an huyện Ia Pa, tình trạng cho vay “tín dụng đen” có chiều hướng phức tạp, bước đầu xác minh trên địa bàn có 50 chủ nợ cho vay với lãi suất cao từ 2-5%/tháng. Thực tế có nhiều hộ mức vay và lãi quá cao dẫn đến không có khả năng trả nợ, nhưng con số cụ thể người vay vẫn chưa thống kê hết vì hầu hết người dân ngại tiếp xúc cơ quan chức năng.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Nguyễn Thế Hùng có văn bản yêu cầu các ban ngành rà soát lại các hộ nghèo, cận nghèo và yêu cầu các ngân hàng tạo điều kiện cho dân được vay vốn. Tuyệt đối không cho phép các phòng chuyên môn “ký xác nhận các trường hợp lấy đất cấn nợ, trừ nợ”.
Thượng tá Trần Trọng Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh Gia Lai) cho hay: Tất cả các vụ mà anh em điều tra nắm được chưa đủ cơ sở để khởi tố hình sự về hành vi cho vay nặng lãi. Theo quy định, để xử lý hình sự thì phải xác định được đối tượng cho vay “mức lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất nhà nước quy định”. Cụ thể, lãi suất cao nhất là 20%/năm, tương đương 1,7%/tháng và chứng minh được có tính chất bóc lột trong cho vay.

Ông Kpă Long, xã Chư Drăng (Krông Pa) chia sẻ nỗi ám ảnh về “tín dụng đen”. Ảnh: L.K
Theo thượng tá Sơn, hiện nay việc cho vay tự phát ở các địa phương được các chủ nợ làm rất tinh vi để lách luật. Hầu hết việc vay mượn đều thông qua thỏa thuận miệng, giấy nợ không ghi rõ ràng. Thậm chí các đối tượng cho vay lấy lãi theo ngày nên rất khó xác định dấu hiệu vi phạm. Vừa qua, Công an tỉnh đã có kế hoạch triển khai các công tác tuyên truyền, đồng thời tham mưu cho các cấp, ngành tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để hạn chế vay bên ngoài.
“Sự việc khó xử lý vì hợp đồng này là dân sự, do vậy trước mắt chỉ khuyến cáo người dân cẩn trọng trong lúc vay. Các cấp ủy, chính quyền không quan tâm giải quyết vấn đề này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự nông thôn. Bởi trong trường hợp chủ nợ không thu hồi được nợ sẽ thuê các đối tượng đòi nợ thuê, ảnh hưởng đến an ninh trật tự” – thượng tá Sơn nói.
Trao đổi về vấn đề “tín dụng đen”, ông Võ Văn Phán – Chủ tịch UBND huyện Kbang chia sẻ: Cách đây 10 năm, huyện đã xây dựng phương án 590 nhằm bảo vệ nguồn đất của người đồng bào thiểu số người Ba Na, tránh việc thất thoát quỹ đất của người dân thông qua các hoạt động mua bán, trao đổi bất hợp pháp. Đến nay, huyện đã thu hồi hơn 300ha, đưa vào diện cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện cho dân yên tâm sản xuất. Hiện tại huyện còn 120ha chưa giải quyết, đang từng bước mời các chủ đất và người thuê lên huyện thưc hiện các hợp đồng đúng theo luật, tránh trường hợp...