Thủy triều đỏ không phải là nguyên nhân hàng đầu gây chết cá ở miền Trung

Ngày đăng: 28/04/2016
12,453 Read
153 Share
Tin8 - Trong cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết diễn ra vào ngày hôm qua 27-4 phía Bộ Tài nguyên cho biết nguyên nhân quan trọng làm cá chết vì thủy triều đỏ song phía các nhà khoa học đã bác bỏ điều này.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân - Ảnh: Giang Huy

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân - Ảnh: Giang Huy

Trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết phía cơ quan chức năng đã phối hợp cùng với các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu hàng đầu phối hợp điều tra để tìm ra nguyên nhân chính là cá chết hàng loạt.

Theo đó, ông Nhân công bố rằng, tình hình hiện đang diễn biến rất phức tạp, song phía lãnh đạo cần kiểm tra thật kỹ để đưa ra nguyên nhân xác đáng nhất. Trước đó nhiều trường hợp đã phải giải quyết mất nhiều năm liền.

Sau khi cùng các nhà khoa học và các cấp quản lý cùng phân tích, xem xét kết quả nghiên cứu và loại trừ các yếu tố không liên quan, phía quản lý đã chốt lại hai nhóm nguyên nhân chính gây ra cá chết hàng loạt. Thứ nhất là do độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai là do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ.

Còn vẫn "chưa có bằng chứng kết luận mối liên hệ của Formosa đến cá chết hàng loạt. Số liệu quan trắc cho thấy các thông số môi trường chưa vượt chuẩn quy định", ông Nhân nói. Và để xác định nguồn cơn ấy một cách đúng đắn nhất và lâu dài, Thứ trưởng không quên khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu, thậm chí kêu gọi sự hỗ trợ từ phía quốc tế để kiểm chứng nếu cần.

Nhà chức trách chưa tìm ra mối liên hệ giữa Formosa và hiện tượng cá chết trên biển - Ảnh: Đức Hùng

Nhà chức trách chưa tìm ra mối liên hệ giữa Formosa và hiện tượng cá chết trên biển - Ảnh: Đức Hùng

Tuy nhiên đứng trước nguyên nhân làm cá chết mà Bộ Tài nguyên công bố trong buổi họp báo thì hôm nay ngày 28-4, phía các nhà khoa học phân tích rằng, hiện tượng thủy triều đỏ làm chết cá không hợp lý trong trường hợp này.

Cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết kết thúc chóng vánh sau 7 phút - Ảnh: Giang Huy

Cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết kết thúc chóng vánh sau 7 phút - Ảnh: Giang Huy

Cụ thể là tảo nở hoa thường làm cá chết ở trên tầng mặt của biển, chúng ta dễ phát hiện bằng mắt. Tuy nhiên hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung lại chết từ tầng đáy, không có biểu hiện rõ ràng và khó phát hiện bằng mắt thường. Theo đó các nhà khoa học tỏ ra không tin tưởng vào nguyên nhân mà Bộ Tài nguyên mới công bố ngày hôm qua.

Đồng thời, theo một chuyên gia có 40 năm nghiên cứu thủy sản thì "không thể có hai nguyên nhân này một lúc, bởi có chất độc thì không có tảo và ngược lại". Ông phân tích rằng nếu cá to chết do tác động của độc tố hóa học thì cá nhỏ cũng vậy, và tảo là một loại sinh vật phù du yếu đuối cũng không dễ dàng sống được. Và nếu "tảo chết rồi thì làm gì nở hoa được"! Ông khẳng định nếu có thủy triều đỏ xảy ra thì chỉ gây hại với cá tầng mặt chứ không phải tầng đáy.

Thủy triều đỏ từng xuất hiện bờ biển Bình Thuận - Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang

Thủy triều đỏ từng xuất hiện bờ biển Bình Thuận - Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang

Vẫn theo chuyên gia này, nếu tảo nở hoa nước sẽ có màu đỏ rực hoặc màu xanh chủ đạo trên cả vùng biển vì đây là đợt tảo biển sinh sôi nảy nở mạnh, tích tụ ở cửa sông, biển khiến mặt nước đục hoặc chuyển màu khác nhau tùy loại tảo như tím, hồng, xanh hoặc đỏ. Khi dạt vào bờ nó sẽ gây mùi hôi thối khó chịu, trong khi các biểu hiện này không có ở khu vực ven biển miền Trung.

Đồng tình quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tảo nở hoa không thể khiến cá chết đột ngột, tức thời như vừa qua mà không có dấu hiệu rõ ràng. Nó thường xảy ra gần bờ chứ không ở ngoài xa và sẽ gây cá chết tầng mặt chứ không phải tầng đáy. "Làm gì có chuyện tảo nở hoa trong cả sinh khối nước từ đáy lên mặt", ông Dũng nói.  Về lý do độc tố từ nước thải con người, ông Dũng đề nghị làm rõ đó là độc tố là gì, "chứ không thể công bố chung chung như thế".

Một mảnh tảo hiếm hoi trên bờ biển Hà Tĩnh những ngày qua - Ảnh: Đức Hùng

Một mảnh tảo hiếm hoi trên bờ biển Hà Tĩnh những ngày qua - Ảnh: Đức Hùng

Chia sẻ kinh nghiệm khi gặp thủy triều đỏ, một chuyên gia thuỷ sản cho hay người nuôi thường dìm lồng bè sâu xuống đáy hoặc di chuyển đến nơi khác để tránh lớp nước mặt. Nếu là do tảo thì người dân sẽ phát hiện nó dạt vào bờ hoặc có mùi khó chịu.

Như vậy, nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt mà phía Bộ Tài nguyên công bố với phân tích của các nhà khoa học cũng như các chuyên gia thủy hải sản hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Trong thời điểm hiện tại vẫn chưa có một kết luận thỏa đáng và thuyết phục cho hiện tượng này. Trước đó, trong cuộc họp báo công bố nguyên nhân, các phóng viên cũng không được đặt câu hỏi và buổi họp kết thúc chóng vánh chỉ sau 7 phút khiến nhiều người cảm thấy lo lắng và hoài nghi. Hiện tại phía dân vẫn đang hy vọng nhà chức trách sớm đưa ra kết luận hợp lý và thuyết phục hơn về nguyên nhân cá chết để giảm bớt sự hoang mang.

NGÂN CA (Tin8)

12,453 Read
153 Share
(223)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang