Chia sẻ với PV NTNN, chị Nguyễn Thị Thúy Ngần (SN 1978, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, sự việc xảy ra với gia đình chị quá bất ngờ và bức xúc, do đó chị đã lên mạng xã hội chia sẻ việc ngôi mộ tập thể 60 cán bộ, nhân dân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại nghĩa trang thôn Vực (xã Thanh Liệt) bỗng dưng “biến mất” một cách bất thường.
Theo lời chị Ngần, từ khi còn nhỏ, chị đã được bố kể lại trong ngôi mộ tập thể có ông nội của chị – cụ Nguyễn Văn Ái – liệt sỹ, hy sinh ngày 7.3.1949 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (Theo quyết định số: 287/QĐ – TTg. Bằng số: GB 695 được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký).

Theo phản ánh của chị Ngần, ngôi mộ tập thể của 60 cán bộ, chiến sĩ tại địa bàn xã Thanh Liệt bị chủ tịch UBND xã này di chuyển mà không hề thông báo cho người thân các liệt sĩ khiến người dân bức xúc.
Hàng năm, gia đình chị Ngần vẫn đến ngôi mộ tập thể này để thắp hương cho người thân.
Về diễn biến vụ việc, chị cho biết, khoảng 10 giờ sáng ngày 21.12.2017, gia đình chị đến mộ thắp hương thì biết tin do nằm trong hành lang dự án làm đường, ngôi mộ sắp bị di chuyển để giải phóng mặt bằng.
Chiều cùng ngày, gia đình chị đã tới UBND xã Thanh Liệt để tìm hiểu thông tin. Tại đây, theo lời chị Ngần, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt – ông Nguyễn Văn Phong cho rằng đây là mộ vô danh nên không cần thông báo (?)
Tới ngày 14.2.2018, gia đình chị Ngần đến ngôi mộ tập thể để thắp hương thì thấy ngôi mộ đã “biến mất”, chỉ còn lại đất đá, gạch đổ nát tại vị trí cũ. Một người quản trang đã thông báo ngôi mộ đã được di chuyển từ vài ngày trước.
“Chúng tôi rất bức xúc vì ngôi mộ tập thể chôn cất ông nội và nhiều đồng đội của ông bỗng dưng bị di chuyển mà chính quyền không thông báo gì. Chứng kiến cảnh tượng ngôi mộ bị đào tan hoang, vỡ nát gia đình chúng tôi vô cùng hoang mang” – chị Ngần nói.
Chiều ngày 1.3, UBND xã Thanh Liệt đã có những thông tin phản hồi về vụ việc. Ông Nguyễn Văn Phong – Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, hiện tại UBND xã Thanh Liệt không có hồ sơ liên quan đến ngôi mộ tập thể.
Theo ông Phong, qua tham khảo ý kiến các cụ cao niên đang sinh sống trên địa bàn, giai đoạn 1948-1949 thực dân Pháp đưa người dân và các chiến sỹ cách mạng để xử bán, sau đó vứt xuống hào sâu và lấp đất chôn tập thể tại khu vực cầu Tó (thuộc cánh đồng thôn Vực, xã Thanh Liệt).
Đến khoảng 1953, một số cụ ở thôn Vực làm đơn gửi trường “Đồn Bốt” (Pháp quản lý) xin bốc hài cốt tại khu vực trên, sau đó nhân dân góp tiền mua tiểu, thuê người cải cát và chuyển. Tuy nhiên, khi chuyển lại để chồng xương cốt người này lên người kia… Mặt khác, do không có thông tin liên quan đến những người bị bắn nên tất cả...