Hiệu ứng đô - mi - nô đang diễn ra ở các trường đại học khiến thí sinh và phụ huynh phải “vắt chân lên cổ” để chạy bởi thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 chỉ còn có 2 ngày nữa là kết thúc.
Một thí sinh bật khóc vì không rút được hồ sơ xét tuyển - Ảnh: Nguyễn Duy
Hôm qua mới đậu xong, nay lại… rớt!
Ngay khi biết rớt cả hai ngành Quản trị kinh doanh và Tài chính ngân hàng, sáng 18-8, Hậu cùng mẹ bắt xe từ Đồng Nai lên TP. HCM để rút hồ sơ tại ĐH Công nghiệp TP. HCM và tìm trường khác nộp vào. Đến bến xe Miền Đông lúc gần 9 giờ sáng nhưng do đi nhầm xe buýt nên phải gần 11 giờ, hai mẹ con Hậu mới tới trường ĐH Công nghiệp TP. HCM.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ chờ rút hồ sơ, hai mẹ con mặt mày phờ phạc, đầu tóc rối ren. Chiều cùng ngày, hai mẹ con đã rút được hồ sơ và qua CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM nộp cho chắc ăn.
Hàng ngàn thí sinh xếp thành hàng dài để nộp - rút hồ sơ tại trường ĐH Công nghiệp TP. HCM - Ảnh: Nguyễn Dũng
Trường hợp khác, hai mẹ con bạn Tú bắt xe từ 2 giờ sáng để lên trường ĐH Kinh tế TP. HCM rút hồ sơ vì điểm thi không đủ đậu. Sau đó, Tú qua nộp ở trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM. Trên đường đi tới trường ĐH Khoa học tự nhiên nộp hồ sơ, hai mẹ con Tú không may đánh rơi mất giấy kết quả thi.
Họ quay lại trường ĐH Kinh tế TP. HCM để cầu cứu. Tuy nhiên, phía nhà trường nói rằng phải về lại cụm thi Tiền Giang để xin lại giấy báo điểm mới được nhận. Điều này khiến hai mẹ con bà Hiền vô cùng bế tắc.
“Bế tắc” vì đâu?
Tình trạng này khiến nhiều phụ huynh và học sinh lao đao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này. Đầu tiên phải xét đến nguyên nhân do điểm chuẩn các trường tăng quá mạnh, khiến nhiều thí sinh không kịp trở tay! Ví dụ, theo kết quả xét tuyển tạm thời công bố ngày 18-8, nhiều ngành của trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM có điểm tăng cao so với ngày 16-8. Trong đó, ngành vật lý tăng cao nhất với 4,5 điểm (từ 16,5 lên 19,25 điểm), ngành khoa học vật liệu khối A tăng 3,25 điểm (từ 16,5 lên 19,75 điểm); Toán học tăng từ 17,25 lên 20,5 điểm. Nhiều ngành khác mức tăng từ 0,5 đến trên dưới 2 điểm…
Thí sinh rút hồ sơ ở Đại học Sài Gòn - Ảnh: Nguyễn Duy
Bên cạnh đó, lý do cũng từ phía thí sinh và phụ huynh đã quá chủ quan. Một nhà tuyển sinh nhận xét, có lẽ do thí sinh đặt niềm tin vào rút-nộp trực tiếp hoặc chủ trương này quá muộn khiến tính hữu dụng của nó chưa cao. Hoặc thí sinh quá phó thác việc rút-nộp vào số phận nên không có những động thái chuẩn bị.
Ngoài ra, một số trường ĐH đã hỗ trợ phần mềm online để thí sinh thay đổi nguyện vọng, nhưng phần lớn thí sinh không sử dụng hoặc không biết đến sự tồn tại của nó. ĐH Bách khoa Hà Nội có tới 1.000 tài khoản không sử dụng tiện ích này.
Bên cạnh đó, việc nhiều thí sinh điểm cao nộp hồ sơ xét tuyển khiến nhà trường phải nâng chỉ tiêu lên, và các thí sinh điểm thấp hơn phải “tháo chạy” khỏi đường đua.
Cải cách để tiết kiệm nhưng lại vất vả, tốn kém hơn!
Năm nay cải cách nên khác với mọi năm, những năm trước thí sinh thi xong chỉ đợi kết quả, năm nay phải lo thêm chuyện nộp hồ sơ. Đúng là “sướng trước thì khổ sau”. Nhiều thí sinh chia sẻ rằng, cải cách vẫn chưa hoàn thiện, nên trong quá trình xét tuyển chỉ tiêu vẫn còn những thay đổi “chóng mặt” khiến nhiều em không kịp trở tay.
Việc gộp chung hai kỳ thi làm một với mong muốn giảm chi phí đi thi cho phần lớn thí sinh cả nước. Tuy nhiên hiện tại, việc ăn chực nằm chờ vừa mất thời gian, vừa tốn kém hơn. Thí sinh và phụ huynh bị mất phương hướng, ngồi chờ may rủi.
KHÁNH VÂN (Tin8)