Ghẹ 3 mắt tại vùng biển Kỳ Anh - Hà Tĩnh mới bị phát hiện nhiễm phenol và xyanua vượt ngưỡng cho phép
Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm báo cáo Cục An toàn thực phẩm về kết quả phân tích 9 mẫu cá, ghẹ lấy từ Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng thuộc vùng biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Theo đó, có 5 mẫu nhiễm cyanua gồm cá mỏ neo với hàm lượng 3,9mg/kg; cá đuối, ghẹ 3 mắt hàm lượng 0,8mg/kg; cá nhồng với hàm lượng 0,6mg/kg; cá man hàm lượng 0,5mg/kg.
3 mẫu hải sản phát hiện có phenol là cá đuối với hàm lượng 14mg/kg, cá man 8,3mg/k, ghẹ 3 mắt 10mg/kg.
Cá đuối nhiễm cyanua hàm lượng 0,8mg/kg
Như vậy, hàm lượng phenol trong các mẫu hải sản mới phát hiện cao hơn 0,037mg/kg mức phenol có trong 30 tấn cá đông lạnh ở Quảng Trị được phát hiện hồi tháng 6-2016.
Tuy nhiên, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết các mẫu hải sản được đem đi kiểm nghiệm từ đầu tháng đến nay đã có dấu hiệu giảm mức độ nguy hiểm. Cụ thể, trong 18 loại hải sản lấy từ vùng biển của 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra thì chỉ phát hiện có một mẫu cá có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng.
Theo các chuyên gia thực phẩm thì phenol có thể được tìm thấy trong xúc xích, thịt gà rán và các loại thực phẩm thiên nhiên như cà chua, táo, đậu phộng…Lượng phenol ăn vào hàng ngày của cơ thể người qua thực phẩm ở 0,18mcg/kg thể trọng là an toàn.
Đối với cyanua, phần lớn hàm lượng chất này có trong nước và xuất phát từ nguồn thải của nền công nghiệp hóa chất hữu cơ, luyện sắt thép hoặc khai thác mỏ. Nếu cơ thể người hấp thu một lượng cyanua nhỏ thì sẽ không gây ngộ độc, vì khi đi vào cơ thể sinh vật, chất này sẽ bị biến đổi thành CO2 và được đào thải ra ngoài trong vòng 24 giờ. Trường hợp nhiễm độc cyanua lượng lớn hơn 1mg/l có thể dẫn đến tử vong.
KHÁNH HÒA (Tin8, ảnh: Internet)