Thật kinh hoàng khi biết rằng, cứ mỗi năm có đến 1,3 tỉ tấn lương thực còn có thể sử dụng được đưa ra bãi rác
Cho đến nay, lãng phí thực phẩm là câu chuyên không hề mới, thế nhưng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nó lại là bài toán vẫn chưa tìm được lời giải. Theo nhiều thống kê, mỗi ngày có đến hơn 1,5 tỉ tấn thực phẩm bị bỏ đi, số lượng đó tương đương với 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu. Bạn thử nghĩ phải cần đến những bãi rác khổng lồ nào để có thể chứa được hàng tỉ tấn rác thải đó.
Lãng phí rác thải không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn nguy hại với môi trường
Tình trạng đó dường như đáng báo động với môi trường đang ngày càng cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên. Rác thải lương thực quá lớn cũng gây ra nguy cơ cao đối với hiện tượng ô nhiễm, bệnh tật... Quan trọng hơn, con số này dường như nghịch lý với con số mà Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra, cứ 7 người trên thế giới lại có 1 người đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi ngày vì đói.
Trong khi đó có đến hàng trăm trẻ em, người nghèo chết đói
Thế nhưng, tình trạng trên lại không diễn ra ở nước Pháp. Đã từng có một thời gian nước Pháp cũng nằm trong danh sách những đất nước có số lượng lãng phí thức ăn thừa nhiều nhất với 7 triệu tấn thực phẩm, trong đó có đến 11% đến từ các siêu thị mỗi năm. Điều này không có gì lạ bởi một quốc gia lân cận như Anh có đến ¾ các loại rau trồng bị các siêu thị từ chối bởi mẫu mã xấu xí và phải đưa thẳng đến các bãi rác. Vậy thì Pháp đã có bước thay đổi ngoạn mục như thế nào?
Các siêu thị tại Pháp phải ký cam kết với chính phủ về việc quyên góp thực phẩm cho các tổ chức từ thiện
Đầu năm 2016, đất nước của Tự do – Bình đẳng – Bác ái đã thông qua một đạo luật mà cả thế giới chắc chắn phải học hỏi, đó là quy định tất cả các siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên nếu muốn hoạt động phải ký hợp đồng quyên góp thực phẩm thừa cho các tổ chức từ thiện.
Theo đó, thức ăn thừa sẽ được phân chia thành 2 loại, loại “best before date” nghĩa là còn ăn được sẽ được chuyển đến các hội từ thiện, còn loại “use by date” nhưng không thể ăn được nữa, sẽ phân phát đến các nhà chăn nuôi gia súc để làm nguồn thức ăn chăn nuôi.
Một số quốc gia lãng phí đến 4 tấn thực phẩm mỗi ngày
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng nghiêm cấm các siêu thị, cửa hàng phá hỏng thực phẩm trước khi quyên góp vì lòng nhân đạo và tôn trọng. Nếu như vi phạm, các nhà kinh doanh sẽ phải đối mặt với mức phạt lên đến 82.000 USD (khoảng 2 tỷ VND).
Có thể nói nước Pháp chưa bao giờ khiến cả thế giới phải thất vọng về lòng nhân đạo, sự sáng suốt và tình yêu thương đối với con người. Đất nước của những bài học sâu sắc của Jean de La Fontaine, những vở hài kịch ý nghĩa của Moliere, những câu chuyện đậm tính nhân văn của Honore de Balzac... lại một lần nữa có quyền tự hào về những điều luật cao thượng và đầy sáng suốt.
Thực phẩm sẽ cứu được rất nhiều người sống sót mỗi ngày.
Hi vọng rằng, nếu như điều luật này trong tương lai được các quốc gia khác trên thế giới áp dụng, thì sẽ là tin vui cho các nhà hoạt động môi trường, góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm đang nóng bỏng trong thời điểm hiện tại và đặt một viên gạch vững chắc trên con đường ngăn chặn biến đối khí hậu toàn cầu.
DZUNG LÊ (Tin8, ảnh: Internet)