Người dân vùng lũ phát hiện một vài sản phẩm đã quá hạn sử dụng trên bao bì - Ảnh: Zing.vn
Hàng cứu trợ hết hạn sử dụng từ… năm 2010
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, người dân vùng Cẩm Phả đã phải hứng chịu một cơn mưa lũ lịch sử với sức tàn phá vô cùng nặng nề. Hơn 800 hộ gia đình bị thiệt hại do trận mưa lớn kéo dài 5 ngày. Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, mưa lũ làm thiệt hại về tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng và làm 17 người chết.
Sau trận lũ, người dân đã liên tục nhận hàng cứu trợ từ các đoàn thể, các đơn vị có lòng hảo tâm trên cả nước gửi về. Song, bà con phường Mông Dương, Cẩm Phả đã hết sức ngạc nhiên khi nhận phải hàng cứu trợ gồm sữa tắm, kem đánh răng… có hạn sử dụng từ năm 2010 và một vài sản phẩm không có hạn sử dụng trên bao bì.
Hộp kem đánh răng này in ấn ngày sản xuất là 26-11-2007 và hạn sử dụng đến 26-11-2010 – Zing.vn
Trước đó, phường đã lập tổ công tác để kiểm tra, cấp phát các nhu yếu phẩm cơ bản như gạo, nước sạch, bánh kẹo… cho hơn 800 hộ gia đình bị thiệt hại. Tuỳ theo hoàn cảnh thiệt hại của từng hộ gia đình để tổ công tác có sự phân chia hàng cứu trợ phù hợp.
Ai chịu trách nhiệm?
Được biết, hơn 50 đoàn thể cá nhân đã liên lạc với phường Mông Dương để trao quà cứu trợ cho người dân. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị xuống tận nhà dân để trao quà mà không thông qua chính quyền nơi đây.
Luật sư Nguyễn Thị Thoa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết trong luật không có quy định rõ ràng về vấn đề này nên chưa có chế tài để xử lý đơn vị đưa hàng cứu trợ hết hạn. Do vậy, khó có thể quy xét doanh nghiệp hoặc đơn vị phạm luật gì.
Chai sữa tắm không in hạn sử dụng, song dưới đáy chai chỉ in ngày sản xuất cách đây… 8 năm - Ảnh: Zing.vn
Ông Lê Thế Thìn (Nguyên trưởng ban công tác xã hội Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) tỏ ra bức xúc cho rằng sản phẩm hết hạn, ngay cả đem cho người sử dụng bình thường cũng đã là không được, nói gì tới hành động nhân đạo.
Ông Phạm Ngọc Lự (Phó chủ tịch UBND phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết: “Hiện, chưa có quy định, chế tài nào hướng dẫn các địa phương về việc tiếp nhận và cấp phát đồ cứu trợ một cách cụ thể. Vì thế, theo tôi, các cá nhân tập thể có lòng hảo tâm khi đi phát quà nên thông qua địa phương để tình cảm của họ đạt được hiệu quả cao nhất".
“Vẫn thông cảm cho đơn vị tài trợ”
Người dân vẫn giữ lại những chai sữa tắm hết hạn để rửa tay - Ảnh: Zing.vn
Ông Phạm Ngọc Lự cho biết thêm: “Số lượng sản phẩm hết hạn khá ít, mọi người đều đã biết và khuyên nhau không sử dụng. Đây có thể là quà tặng của một đơn vị cứu trợ nào đó đã cấp phát trực tiếp cho người dân mà không thông qua địa phương và Tổ công tác cứu trợ. Điều này cũng có thể cảm thông cho họ khi đã quá vội vàng trong lúc nguy cấp nên không kiểm tra kỹ hoặc mua nhầm phải hàng quá hạn mà không hay biết”.
Phần đông bà con vùng lũ sau khi rất ngạc nhiên về hàng cứu trợ hết hạn thì đã vui vẻ trở lại và thông cảm cho đơn vị cứu trợ nào đó đã vì họ cho rằng có thể đơn vị cứu trợ quá vội vàng nên đã không kiểm tra kỹ lưỡng.
Người dân Cẩm Phả vẫn cám ơn tấm lòng chân thành của các đơn vị cứu trợ đã cung cấp lương thực và các mặt hàng thiết yếu trong thời gian hoạn nạn. Những sản phẩm hết hạn này họ không dùng để tắm mà vẫn giữ lại rửa tay vì chúng còn rất thơm.
Song, đây có lẽ cũng là một lời nhắc nhở các đơn vị cứu trợ nên kiểm tra kỹ các sản phẩm trước khi trao cho những người dân đang gặp khó khăn. Vì lỡ như họ sơ suất sử dụng phải những sản phẩm đã hết hạn thì hậu quả sẽ rất khó lường.
KHA MY (Tin8)