Tại sao giáo viên lại ùn ùn dạy trẻ đi qua thảm thủy tinh?

Ngày đăng: 25/08/2015
4,477 Read
212 Share
Những ngày gần đây, bài học dạy kỹ năng sống cho trẻ bằng cách để trẻ đi trên những mảnh thủy tinh đang tạo nên những luồng tranh cãi gay gắt trong dư luận. Liệu phương pháp giảng dạy này đã đúng hay chưa?

Bài học về lòng dũng cảm trong sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 - Ảnh: VnExpress

Bài học về lòng dũng cảm trong sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 - Ảnh: VnExpress

Dạy trẻ dũng cảm bằng cách đi trên thủy tinh

Bài học dạy trẻ về lòng dũng cảm bằng cách cho trẻ đi trên thủy tinh trong sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” do tiến sĩ Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tâm Việt Group) làm chủ biên đang gây nên nhiều tranh cãi.

Cụ thể nội dung bài học như sau: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.

Bài học kỹ năng sống trên đã được áp dụng ở một số trường - Ảnh: vitalk.vn

Bài học kỹ năng sống trên đã được áp dụng ở một số trường - Ảnh: vitalk.vn

Bên cạnh đó, trên trang Facebook cá nhân của một cô giáo cũng chia sẻ hình ảnh học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hà Nội đã thực hành bài học kỹ năng sống này.

Hiện tại, đa số mọi người đều phản đối cách dạy trẻ trên vì cho rằng nó quá nguy hiểm.

Đi trên thủy tinh không nguy hiểm!

Theo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Phan Quốc Việt đã phân tích rằng: “Về mặt vật lý, khi chúng ta làm mảnh thủy tinh bằng bao diêm (khoảng 3cm2) và làm khung dày khoảng 5cm, thì khi trẻ con bước lên thủy tinh, những mảnh nhỏ, nhọn, thiết diện bé, áp suất lớn sẽ chìm xuống dưới, còn mảnh nào to, thiết diện lớn, áp suất bé, sẽ nằm lại lại bên trên, nên đi rất êm chân.

Mặc dù đi trên thủy tinh đã được mài kỹ là không nguy hiểm song đây vẫn không phải là cách dạy trẻ hay - Ảnh: vitalk.vn

Mặc dù đi trên thủy tinh đã được mài kỹ là không nguy hiểm song đây vẫn không phải là cách dạy trẻ hay - Ảnh: vitalk.vn

Chúng tôi đã thử trắc nghiệm làm bài tập cho trẻ em là lựa chọn giữa đi thủy tinh và đi sỏi, các em đa số là chọn đi trên sỏi. Nhưng sau khi cho các em thực hành đi trên sỏi và thủy tinh, thì đa số các em đều lựa chọn đi trên thủy tinh. Việc đi trên thủy tinh không có gì nguy hiểm cả”.

Ngoài ra, ông còn nói thêm: “Năm 2015, sách này được tái bản nhưng không còn bài thực hành cho trẻ nhỏ đi trên thủy tinh nữa. Lý do là mỗi năm Bộ Giáo dục & Đào tạo có một thông tư định hướng giáo dục mới cho học sinh tiểu học, nên tôi không đưa bài đó vào trong sách nữa, để phù hợp với chủ trương năm 2015 của Bộ, chứ không phải vì lý do nó gây nguy hiểm cho trẻ em như nhiều người đang bàn tán hiện nay. Hồi nhỏ tôi cũng dẫm lên mảnh sành, mảnh chai là bình thường! Chúng ta đừng biến trẻ con thành gà công nghiệp, mà nên biến chúng thành đại bàng”.

Tuy nhiên, vấn đề mọi người quan tâm ở đây không dừng lại ở việc đi trên thủy tinh có nguy hiểm hay không mà là cách giáo dục trẻ như vậy đã đúng hay chưa.

Hãy dạy trẻ những điều thiết thực hơn

Quan điểm đừng biến trẻ con thành gà công nghiệp của ông Phan Quốc Việt có lẽ là đúng, song, ông có chắc rằng chỉ cần để trẻ dẫm lên thủy tinh thì trẻ sẽ hóa đại bàng? Trong vô vàn cách giáo dục lòng dũng cảm cho trẻ, ông đã lựa chọn cách vừa nguy hiểm, vừa không mang lại hiệu quả thực sự.

Ngày hôm nay, có lẽ trẻ đã thực sự vượt qua nỗi sợ hãi và dẫm lên thủy tinh. Thế nhưng, trẻ có hiểu rằng vì những mảnh thủy tinh đó đã được mài kỹ nên mới không khiến mình bị thương, hay trẻ chỉ đơn giản nghĩ rằng bất cứ mảnh chai nào mình cũng có thể đạp lên chúng mà đi được.

Liệu trẻ có hiểu rằng bài học đi trên thủy tinh này không nên áp dụng vào thực tế - Ảnh: vitalk.vn

Liệu trẻ có hiểu rằng bài học đi trên thủy tinh này không nên áp dụng vào thực tế - Ảnh: vitalk.vn

Sự dũng cảm mà trẻ cần được học ở đây không phải là đi trên thủy tinh, trên sỏi hay trên đinh mà sự dũng cảm trẻ cần học là dũng cảm trong suy nghĩ, trong tiềm thức, dũng cảm nhận lỗi khi làm sai, dũng cảm đối mặt với những tình huống thực tế trong cuộc sống.

Trong trường hợp của sách dạy kỹ năng sống trên thì trẻ dũng cảm là trẻ dám đi qua mảnh thủy tinh dù mọi người xung quanh đều rất sợ hãi. Liệu trong cuộc sống này có bao nhiêu trường hợp thực tế buộc trẻ phải đi qua mảnh thủy tinh?

Tại sao không dạy trẻ rằng dũng cảm là dám nhận lỗi với mẹ khi nhỡ may làm vỡ cốc thủy tinh trong nhà, tại sao không dạy trẻ dũng cảm là biết cách bảo vệ bản thân và bạn bè khỏi những nguy hiểm? Những tình huống đó thực tế hơn rất nhiều so với việc đi qua mảnh thủy tinh!

Hãy dạy trẻ dũng cảm đôi khi chỉ đơn giản là dám nhận lỗi sai của mình - Ảnh minh họa: Internet

Hãy dạy trẻ dũng cảm đôi khi chỉ đơn giản là dám nhận lỗi sai của mình - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ cần được học những điều thiết thực hơn, bổ ích hơn và sâu sắc hơn để sau này, trẻ có thể áp dụng chúng chứ không phải là những bài học thiển cận và có phần vô lý như thế này.

Phải chăng ông Phan Quốc Việt đã nhầm lẫn giữa dũng cảm với liều lĩnh, giữa kỹ năng sinh tồn với việc bất chấp nguy hiểm để chứng tỏ bản thân? Nếu trẻ vẫn cứ học về lòng dũng cảm theo sách kỹ năng trên thì e rằng trẻ sẽ định nghĩa sai về “dũng cảm”.

PHAN AN (Tin8)

4,477 Read
212 Share
(277)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang