Theo đó, ngày 20-11, bà Xuân nhận được một cuộc điên thoại lạ. Người gọi tự giới thiệu với bà Xuân rằng mình là nhân viên tổng đài VNPT, liên lạc với bà Xuân để thông báo số tiền nợ cước di động của bà Xuân đã lên đến 9 triệu đồng. Điều này hết sức vô lý khi trên thực tế bà Xuân chỉ sử dụng tối đa 50.000 đồng mỗi tháng. Không đồng ý với thông báo của cô “nhân viên”, bà Xuân đôi co qua lại và được người này yêu cầu bà nói chuyện với công an được giải quyết.
Lập tức, bà Xuân được một người đàn ông tự xưng là Đại úy, đang làm việc tại cơ quan công an Hà Nội tiếp chuyện. Sau khi dùng thủ thuật từ ngữ để dò hỏi các thông tin cá nhân của bà Xuân, vị “đại úy” này tiếp tục hướng dẫn bà Xuân gọi điện đến tổng đài (“đại úy” cho bà Xuân số tổng đài) để xác minh xem số điện thoại bà đang gọi đến có phải là số điện thoại của cơ quan công an ở Hà Nội hay không. Lời lẽ mạnh dạn, dứt khoát của “đồng chí công an” khiến bà Xuân bắt đầu tin tưởng và tiếp tục làm theo lời chỉ dẫn. Sau đó, bà mặc định tin rằng mình đang nói chuyện với công an.
Vị “đại úy” cho biết bà Xuân đang là mắc xích quan trọng trong đường dây buôn bán hồ sơ giả và người mua hồ sơ đã chuyển vào tài khoản của bà 10 tỷ đồng. Theo quy định, bà Xuân sẽ bị di lý ra Hà Nội để phục vụ cho công tác điều tra. Hoảng hồn, bà kêu oan rồi khai thật với “cán bộ điều tra” toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng cùng số tiền 1,3 tỷ đồng mình đang sở hữu trong tài khoản. Ra vẻ thông cảm cho lời kêu oan của bà Xuân, người đàn ông này yêu cầu bà phải chuyển toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản của “ban chuyên án” để cơ quan chức năng xác minh. Nếu đúng là bà Xuân trong sạch thì công an sẽ trả lại cho bà toàn bộ số tiền đã chuyển. Người đàn ông giấu mặt này cũng không quên dặn dò bà Xuân là không được tiết lộ thông tin của quá trình “điều tra” cho bất kỳ ai. Đồng thời, “cán bộ điều tra” còn hâm dọa sẽ đến bắt bà Xuân ngay lập tức nếu bà không làm theo lời dặn vì “cơ quan công an đã dùng nghiệp vụ và công nghệ định vị vị trí của bà!”.
Vì lo sợ tuổi già của mình sẽ dính vào “oan án” nên bà Xuân không chần chừ đi chuyển tiền như lời “đại úy” đã nói. Tuy nhiên sau đó, bà Xuân luôn có những biểu hiện lo lắng bất thường nên con trai của bà theo gặng hỏi. Bà uất ức kể lại sự việc thì mới biết mình đã bị lừa. Sự việc ngay lập tức được trình báo lên Phòng Cảnh sát Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP HCM.
Cùng thời điểm đó, các chiến sỹ trong đội PC46 cho biết đã có thông tin xác minh từ ngân hàng An Bình, chi nhánh tỉnh Bắc Giang rằng vừa làm thủ tục cho một người đàn ông tên Hùng rút 1,3 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển từ tài khoản của bà Xuân. Tuy nhiên, khi được hỏi về những thông tin mang tính bảo mật thì người đàn ông này tìm lý do để bỏ đi. Hiện tại, ngân hàng đã phong tỏa tài khoản của ông Hùng.
Theo thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó trưởng phòng PC46 thì thời gian gần đây, số lượng các vụ án liên quan đến việc lừa tiền qua điện thoại ngày càng tăng lên với nhiều thủ đoạn tinh vi, đa dạng. Ví dụ như lúc thì thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, lúc thì tham gia vào mạng lưới rửa tiền…Chúng dùng thủ thuật từ ngữ và giọng điệu khi nói chuyện qua điện thoại để đánh vào tâm lý hoang mang của “con mồi” khi thấy mình bỗng dưng mang tội để moi móc thông tin. Thậm chí có một số nạn nhân còn “vô tư” tiết lộ mật khẩu tài khoản cho chúng biết. Đa số những tài khoản mà bọn lừa đảo dùng để giao dịch đều được làm bằng CMND giả, dán hình mới khéo léo nên các nhân viên ngân hàng khó có thể nhận biết được.
Những tên trong băng nhóm lừa đảo qua điện thoại bị sa lưới pháp luật - Ảnh: VnExpress
Để tránh bị mất tiền oan uổng, người dân cần tỉnh táo phân biệt và ghi nhớ những khuyến cáo sau:
- Các tổ chức, cá nhân đại diện cho luật pháp Việt Nam đều phải xuất trình được giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp pháp khi làm việc với công dân. Đồng thời, tất cả các hướng dẫn, chỉ thị thi hành đều được thực hiện bằng văn bản.
- Luôn cảnh giác với các cuộc gọi từ số lạ. Nhất là những cuộc gọi thông báo nợ cước điện thoại, nợ tiền lắp đặt…Đó là phương thức lừa đảo mới của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
- Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ một thông tin cá nhân nào của bản thân nếu chưa biết người được cung cấp sử dụng vào mục đích gì.
- Không mua bán, cho mượn thẻ ngân hàng hoặc giấy tờ cá nhân khi chưa biết rõ người mượn là ai.
- Nếu phát hiện nghi vấn, bạn nên báo tin cho người nhà hoặc cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn thiệt hại.
*Tên nạn nhân đã được thay đổi.
KHÁNH HÒA (Tin8)