Tình huống một anh hàng xóm rủ một cậu bé chơi trò “sờ vào vùng kín” được đưa vào trong sách thực hành kỹ năng sống cho trẻ khiến nhiều người tá hỏa! Hiện có hai luồng dư luận trái chiều: một bên ủng hộ cách dạy thiết thực, gần gũi cuộc sống; một một bên hoàn toàn phản đối cách dạy “nhạy cảm” này!
Trang sách đang được nhiều thành viên chia sẻ chóng mặt trên diễn đàn mạng - Ảnh chụp màn hình
"Cái này mà cũng đưa vào sách cho trẻ em! Bó tay luôn!"
Nội dung chi tiết của "tình huống " như sau:
“Hàng ngày ngoài giờ học, Nam thường sang nhà hàng xóm chơi với các bạn và đợi mẹ đi làm về. Anh Dũng, con bác hàng xóm rất hay bày trò cho Nam và các bạn chơi. Nam rất quý anh Dũng. Một hôm, chỉ có hai anh em ở nhà. Dũng nói muốn chơi một trò chơi. Dũng muốn Nam sờ vào chỗ kín của anh ta còn anh ta sẽ sờ vào chỗ kín của Nam. Dũng nói đây sẽ là một bí mật đặc biệt giữa hai người”.
Theo thông tin nhiều cư dân mạng chia sẻ, sách này có tên là “Bài tập thực hành kỹ năng sống” do Lưu Thu Thủy (chủ biên) và Trần Thị Thái Hà, Đào Văn Vi là đồng tác giả biên soạn. Sách được phát hành bởi Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
Bìa sách Bài tập thực hành kĩ năng sống cho học sinh lớp 4 có nội dung gây xôn xao - Ảnh: Kenh14
Ngay sau khi hình ảnh chụp lại nội dung nhạy cảm đó được tung lên mạng, cộng đồng lập tức dậy sóng. Đa phần tỏ ra hốt hoảng và bất bình trước cách dạy trẻ thời nay của cuốn sách này.
“Những thứ như thế nên đưa vào sách dành cho phụ huynh để họ về dạy con, chứ không nên đưa vào sách dành cho trẻ em đọc”, một bạn đọc bình luận.
Có người còn tỏ ra lo ngại trước xu hướng giáo dục thời nay: "Tình huống vậy cũng đưa vào sách giáo dục nữa. Bó tay luôn!".
Một bài tập dạy nhận định những tình huống an toàn và không an toàn - Ảnh: Internet
Dạy điều cần thiết, sao lại chửi?
Bên cạnh luồng ý kiến đó thì một bộ phận không nhỏ cho rằng “điều này thiết thực đó chứ!”: “Mình thấy chẳng có gì sai trái ngược lại còn khuyến khích việc này. Kì lạ thay rất nhiều người nói Việt Nam không giáo dục giới tính và không hướng dẫn bảo vệ bản thân. Bây giờ người ta dạy thì lại chửi. Kì cục!”, một bạn đọc nói.
“Có gì đâu mà xôn xao, đây mới là cách dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Dạy trẻ tránh bị lạm dụng tình dục, dạy trẻ tránh kẻ xấu, mình hoàn toàn ủng hộ. Bọn trẻ bây giờ dậy thì sớm lắm, có đứa lớp 4 đã dậy thì rồi”;
“Hay mà, có rất nhiều trẻ bị xâm hại tình dục mà không biết, mình may mắn không bị nhưng nhỏ bạn kể hồi nhỏ nó không biết chứ lớn nhớ lại thấy ghê vì hồi nhỏ ông hàng xóm nựng nó toàn sờ chỗ kín của nó, hồi nhỏ nó không biết nên chả mách cha mẹ gì, lớn lên nhớ lại mới hiểu”, nhiều bạn đọc ủng hộ cách giáo dục này!
Sách kĩ năng này còn có những tình huống khác như gặp người lạ mặt rủ đi chơi game, người đàn ông lạ trên xe máy... - Ảnh: Internet
Theo đó, các thành viên nhìn nhận cách giáo dục theo hướng tích cực. Họ cho rằng nên có những tình huống thiết thực thế nào vào sách kỹ năng sống, để trẻ có được nhận thức sớm và chủ động đối phó với các tình huống bị lạm dụng tình dục khi lớn lên. Ngoài ra việc dạy cho trẻ nhận thức sớm về vấn đề nhạy cảm sẽ giúp các em nhận ra và tránh xa người xấu.
Quan trọng nhất là cách giáo viên truyền đạt với các em ra sao để không làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của trẻ thơ. Một bạn đọc nhận xét: "Chủ yếu là giáo viên sẽ dạy trẻ nhỏ phải làm gì trong tình huống này. Nếu là giáo tiên tốt, họ sẽ dạy trẻ không tiếp tục "trò chơi" và nói chuyện xảy ra với ba mẹ. Đứa trẻ trong tình huống này nên học cách tránh xa người xấu".
Có 6 hướng dẫn cần thiết cho các em khi nhận dạng các tình huống có nguy cơ - Ảnh: Internet
Trước khi "ném đá", hãy nhìn vào thực trạng trẻ bị quấy rối tình dục
Đi vào thực tế của xã hội ngày nay, những tình huống này đối với trẻ em không phải là hiếm. Tuy nhiên nhiều bé vì còn quá nhỏ chưa nhận thức được “đó là việc gì” nên không biết phải làm sao mỗi khi gặp chuyện.
Trẻ nhỏ cần được học được cách phản ứng, xử lý tình huống 1 cách chủ động để bảo vệ bản thân thay vì học những thứ hay ho nhưng xa tầm với. Với những cái gọi là trong sáng, thánh thiện, phù hợp với tâm hồn trẻ thơ nhưng lại chẳng giúp được gì cho các bé khi chúng gặp chuyện, liệu có nên lặp đi lặp lại những lý thuyết sáo rỗng như thế?
Người lớn nên đối diện với việc dạy trẻ những điều thiết thực, gần gũi với cuộc sống này hơn!
KHÁNH VÂN (Tin8)